Vì sao gần 500 doanh nghiệp ở Đồng Nai buộc phải giải thể?
Gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, gần 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động…
Các doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động kinh doanh có ngành nghề đa dạng như: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, chế biến nông sản, xây dựng… Những doanh nghiệp trên hầu hết có quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5-30 người, vốn ít, gặp khó khăn trong vài tháng liền là khó trụ nổi, do không kham được chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động.
Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh tế toàn cầu biến động, ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, cước vận tải tăng cao, tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine….
“Những vấn đề trên đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát gia tăng, sức mua giảm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại Đồng Nai đã không trụ nổi, buộc phải giải thể hoặc chấm dứt hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả. Đây là năm Đồng Nai có số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng kinh doanh cao nhất trong 10 năm trở lại đây”, đại diện Sở KH&ĐT Đồng Nai chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động không hiệu quả buộc phải giải thể hoặc dừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Dự kiến tình hình khó khăn có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2023.
Giám đốc Sở KH-ĐT cũng lưu ý hiện nay đã có tình trạng một số doanh nghiệp chuyển dịch nhà máy đến đầu tư tại địa phương khác để phù hợp với điều kiện sử dụng lao động. Đây cũng là dịp để tỉnh Đồng Nai cơ cấu, sắp xếp lại nguồn lao động phù hợp với hướng kêu gọi đầu tư mới vào các ngành nghề công nghệ cao, lao động được đào tạo chất lượng và ít thâm dụng lao động.