VCCI thực hiện tốt sứ mệnh liên kết, phát triển doanh nghiệp bền vững

Trong quá trình hình thành và phát triển 60 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn giữ vững ngọn cờ đầu và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thực hiện tốt sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới.

VCCI thực hiện tốt sứ mệnh liên kết, phát triển doanh nghiệp bền vững

Ngày 29/4/1960, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua gần ba năm chuẩn bị, ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với sự hội tụ của 93 tổ chức hội viên đầu tiên, ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp là ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 – 2026 được tổ chức trong hai ngày 30 và 31/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tăng cường hợp tác quốc tế

Giai đoạn 1963 – 1975, VCCI xây dựng tổ chức và hoạt động trong điều kiện chiến tranh, khi đó, VCCI chủ yếu đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: Xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam với các nước và tham gia vào công cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong toả kinh tế nước ta của đế quốc Mỹ. Giai đoạn 1975 – 1982, sau giải phóng miền Nam, VCCI tiếp thu cơ sở của Phòng Thương mại – Công kỹ nghệ Sài Gòn, thành lập Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 1983 – 1992, VCCI thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, mở ra nhiều dịch vụ phục vụ doanh nghiệp. Khi đất nước đổi mới, VCCI hoạt động trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường.

Từ năm 1993 đến nay, VCCI trở thành tổ chức quốc gia có chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong thời kỳ này, VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp (cả trực tiếp và gián tiếp) đại diện cho gần 800.000 doanh nghiệp trên cả nước. VCCI cũng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. VCCI là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Liên đoàn các Phòng Thương mại thế giới, Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các liên đoàn giới chủ thế giới và khu vực.

VCCI đã đi đầu trong việc nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân; đã cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam; đã đưa ra thông điệp “Doanh nhân – người lính thời bình” để cổ vũ và phát động tinh thần doanh nhân trong xã hội, đã tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Cúp Thánh Gióng”, “Cúp Bông hồng Vàng”, “Giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” và các giải thưởng có uy tín khác cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Đã lập kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” để tri ân các cá nhân, tổ chức đóng góp vào sự nghiệp này.

VCCI đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quan điểm, chính sách và nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật doanh nghiệp (1999, 2005), Luật đầu tư (2005), các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá IX và khóa XII về kinh tế tư nhân nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. VCCI đã tổ chức nghiên cứu và đề xuất, khuyến nghị các chủ trương, phương án đàm phán gia nhập WTO, CPTPP, EVFTAs… và các điều ước quốc tế cùng nhiều chủ trương chính sách quan trọng khác của Đảng và Nhà nước.

VCCI thực hiện tốt sứ mệnh liên kết, phát triển doanh nghiệp bền vững

Để góp phần tạo ra động lực cải cách từ cơ sở, trong điều kiện Chính phủ thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, bên cạnh việc góp phần xây dựng và thực hiện Đề án cải cách hành chính của Chính phủ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo phong trào thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách ở các địa phương. Công trình nghiên cứu được đánh giá cao và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong các địa phương.

VCCI đã chủ trì nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và các báo cáo định kỳ khác về tình hình doanh nghiệp và kiến nghị kịp thời những giải pháp, chính sách với Chính phủ. VCCI cũng chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp (phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (phối hợp với Văn phòng Chính phủ), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – VBF (phối hợp với các cơ quan Chính phủ, IFC, WB và các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước)… Nhiều diễn đàn quốc tế lớn của giới doanh nhân cũng được VCCI tổ chức thành công như: Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2006, 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp EU – ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, các hội nghị ABAC, ASEAN BIS, ASEAN BAC… và các diễn đàn kinh doanh với các nước có sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới.

VCCI đã chủ trì nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm và làm việc ở nước ngoài và các “Diễn đàn doanh nghiệp”, các cuộc đối thoại, tọa đàm… được VCCI tổ chức trong khuôn khổ các chuyến đi này là những hoạt động xúc tiến quan trọng ở tầm quốc gia, góp phần quảng bá đất nước, con người và nền kinh tế Việt Nam, mang lại hiệu quả thiết thực.

Với những định hướng và lĩnh vực hoạt động cơ bản như vậy, bình quân mỗi năm, VCCI đã trực tiếp tham gia soạn thảo và góp ý xây dựng hơn 60 dự thảo văn bản pháp luật, tổ chức trên 500 hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật, chính sách; tổ chức trên 1.500 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 80.000 lượt doanh nghiệp; tổ chức đón tiếp và bố trí chương trình làm việc cho trên 350 đoàn với trên 20.000 lượt doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức gần 150 đoàn với trên 7.000 lượt doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; tổ chức gần 600 cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp với sự tham dự của trên 80.000 lượt doanh nghiệp; cấp hàng trăm ngàn bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) và các chứng từ thương mại khác… Đó là một khối lượng công việc đồ sộ so với quy mô tổ chức còn khiêm tốn và nguồn tài chính rất eo hẹp của cơ quan VCCI.

Tiếp tục chuyển mình, thực hiện tái cấu trúc và đổi mới

Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động… Ngoài các hoạt động truyền thống, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế.

Các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của VCCI ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng. Đơn vị đã tổ chức điều tra, khảo sát, công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp, báo cáo về quan hệ lao động, báo cáo về DNNVV, báo cáo về phát triển bền vững; xây dựng các báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… Các báo cáo của VCCI đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương coi là các tài liệu tham khảo quan trọng, làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hoạt động đào tạo, phát triển doanh nghiệp được VCCI bám sát nhu cầu thực tiễn và đón đầu các xu hướng mới. Hoạt động gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo nghề cũng được chú trọng thông qua các hoạt động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. VCCI đã chủ động xây dựng, phát triển các quan hệ hợp tác với các tổ chức đối tác để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp như WB, GIZ, ILO, USAID, UNIDO, UN, WEF, WBCSD…

Có thể nói, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc phát động “Chương trình Quốc gia khởi nghiệp” và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Với sự lớn mạnh nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp trong các năm gần đây, VCCI cũng đã chủ động xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Việt góp phần chinh phục khách hàng Việt và phục vụ xuất khẩu; phát động và đẩy mạnh chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. VCCI cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị và hoàn tất các đề xuất trình Chính phủ Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030.

Nối tiếp truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, VCCI sẽ tiếp tục chuyển mình, thực hiện tái cấu trúc và đổi mới vươn tới các chuẩn mực hiện đại, có trách nhiệm – một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp giao phó.

Kiều Nga- Tú Năm

Bài Viết Liên Quan

Back to top button