Trung Quốc “dở chứng” với hàng Việt
Thị trường Trung Quốc liên tiếp “dở chứng” với hàng hóa Việt Nam; nếu doanh nghiệp không quyết liệt thay đổi, thì hệ quả sẽ còn lớn hơn.
>> Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập “vùng đệm” với Trung Quốc
Từ 1/1/2022, tất cả hàng hóa thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào Trung Quốc, sẽ phải đáp ứng các quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.
“Bỏ trứng vào một giỏ”
Thực trạng nông sản Việt Nam nhiều lần đổ bỏ vì không thể xuất sang Trung Quốc nên xem là “lỗi của chính mình”. Bởi, nhiều doanh nghiệp đã đặt hết niềm tin vào thị trường khổng lồ này nhưng quá chậm thay đổi để thích ứng với quy chuẩn ngày càng cao.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 14,7 % năm 2010 lên 22,6% trong 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu trên 70% rau quả sang Trung Quốc – theo thống kê của Tổng cục Hải quan.
Vấn đề là Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản. Đối với Việt Nam trong 10 tháng qua, phía Trung Quốc đã có 42 thông báo về những thay đổi liên quan đến thực phẩm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và thực vật… Đặc biệt từ ngày 1/1/2022, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc, và các mặt hàng thực phẩm, nông sản nhập khẩu vào nước này sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.
Trong khi đó nông sản Việt Nam có thể bán sang Mỹ với kim nghạch lớn hơn xuất khẩu sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021. Liệu chúng ta có thể lấy đó làm bàn đạp cho tính toán chiến lược dài hơi?
>> Gỡ ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu chính ngạch
Hóa giải rủi ro
Trong nhiều năm nay, nông sản Việt Nam “sống nhờ” thị trường Trung Quốc, và tương lai có thể vẫn như vậy. Do đó, chiến lược “giải cứu” căn cơ nhất là thay đổi nhận thức về nền nông nghiệp hàng hóa; nắm vững khung khổ pháp lý ngoại thương.
Hàng trăm nghìn tấn nông sản đang ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc hầu hết không có thương hiệu, kiểm định chất lượng; thương lái đến tận vườn thu gom rồi chở thẳng ra cửa khẩu. Đây không phải là cách thức ngoại thương đúng thông lệ quốc tế. Do đó, cần có vốn đầu tư từ doanh nghiệp để khắc phục tình trạng này.
Hiện nay, khoảng 80% nông dân Việt Nam có diện tích canh tác dưới 1 ha và chủ yếu dựa trên tri thức kinh nghiệm, nên không thể áp dụng kỹ thuật, quy trình đồng bộ, sử dụng chung một tiêu chuẩn. Để tháo gỡ vấn đề này, cần có quy hoạch, chính sách dồn điền, tích tụ ruộng đất.
Trong khi đó, hệ thống thông tin dự báo, phân tích thị trường còn hạn chế, đặc biệt với đối tác truyền thống như Trung Quốc. Do đó, cần có hệ thống dịch vụ công giúp doanh nghiệp, người dân về vấn đề này.
Người Việt có thể tạo ra nông sản bán sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU,… thì không có lý do gì không thể đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn