Thuế, phí vé máy bay đang được tính thế nào?

Theo thống kê, các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Vậy, thuế phí vé máy bay đang được tính ra sao?

Thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, có ý kiến cho rằng một trong các nguyên nhân là do thuế, phí cao.

Để rộng đường dư luận, mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa ra các thông tin làm rõ về vấn đề này.

Thuế, phí vé máy bay đang được tính thế nào?
Giá vé máy bay đang ở mức rất cao.

Theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp hiện đang thu hộ Nhà nước giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các hãng hàng không. Mức thu hộ dịch vụ được theo dõi, hạch toán kế toán, phản ánh đầy đủ doanh thu chi phí theo quy định tại Quyết định số 2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.

“Mức giá dịch vụ này đã áp dụng hơn 7 năm, kể từ Quyết định số 2345/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ngày 8/8/2017, đến nay chưa thay đổi”. – đại diện ACV nói.

Liên quan đến giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách và hành lý, ACV cho biết, đây là dịch vụ ACV thu của hành khách đi máy bay theo quy định tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Hiện tại, các hãng hàng không đang thu hộ ACV giá dịch vụ này và được hưởng hoa hồng thu hộ 1,5% doanh thu theo quy định tại Điều 8, Thông tư 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019.

Còn đối với các dịch vụ tại cảng do Nhà nước quy định khung giá, ACV đang thu của các hãng hàng không giá dịch vụ sân đậu tàu bay, cho thuê cầu dẫn khách, thuê quầy làm thủ tục hành khách, cho thuê băng chuyền hành lý và xử lý hành lý tự động,… Mức thu các dịch vụ này cũng thực hiện theo khung giá quy định của Nhà nước tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT.

Theo tính toán của ACV, tiền thu từ các dịch vụ này đối với một chuyến bay của máy bay Airbus A320/321 khoảng 3 triệu đồng/chuyến bay, rất nhỏ so với cơ cấu chi phí cho một chuyến bay của hãng hàng không và nếu phân bổ cho hành khách đi máy bay thì chỉ khoảng 15.000 đồng/hành khách.

Một khoản thu khác mà ACV đang thu là giá dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Tại các cảng hàng không chi nhánh, trừ 4 cảng hàng không lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, ACV đang thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho các hãng hàng không và thu tiền theo chuyến bay.

Đối với Vietnam Airlines và Vietjet, mức thu này được áp dụng từ khi ký hợp đồng dịch vụ hàng không năm 2012 cho đến nay, chỉ điều chỉnh tăng 1 lần vào năm 2019 với mức tăng 5%. Với số tiền thu từ dịch vụ này, nếu chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 vào khoảng 30.000 đồng/hành khách.

ACV khẳng định: “Trong cơ cấu giá vé máy bay hiện tại, chỉ có 2 mục các hãng hàng không thu hộ ACV là giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý”.

Đơn cử, chặng bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, phần thu của ACV là 120.000 đồng/khách (gồm 100.000 đồng giá phục vụ hành khách và 20.000 đồng giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý). Tại chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh-Côn Đảo, phần thu của ACV là 80.000 đồng/khách (trong đó 60.000 đồng giá phục vụ hành khách và 20.000 đồng giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý).

Đại diện ACV cho hay 2 khoản phí phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách và hành lý là dịch vụ ACV thu của hành khách đi máy bay theo quy định tại Điều 12 và Điều 13, Thông tư 53 do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 31/12/2019.

Trước đó, ngày 5/5, Bộ Tài chính cũng đã có giải thích việc các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí.

Đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) với mức phí: 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết: Tại khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và khoản 3 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 quy định: (1) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; (2) Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa…

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không: theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa,…

“Như vậy, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao Thông vận tải” – Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) khẳng định.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button