Thu hút doanh nghiệp đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc

Bộ GTVT đang nghiên cứu sử dụng nguồn vốn đầu tư công để giải phóng và san lấp mặt bằng, có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ cao tốc giúp giảm chi phí và dễ thu hút nhà đầu tư.

Cả nước đã có gần 1.200 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác nhưng hơn 1/3 trong số này chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng hay điểm dừng xe kỹ thuật để lái xe nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu và kiểm tra xe. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân luôn là bài toán khó.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc

Cả nước đã có gần 1.200 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác nhưng hơn 1/3 trong số này chưa có trạm dừng nghỉ.

Đầu tư lớn, hoàn vốn chậm

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hoá còn nhiều vướng mắc, một số tuyến cao tốc lưu lượng xe thấp.

“Khi bỏ ra số tiền lớn, nhà đầu tư thường tính toán, phân tích phương án đầu tư cụ thể, trong đó phương án hoàn vốn là quan trọng nhất. Do phải vay vốn nên nhà đầu tư cũng tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp với sự tăng trưởng của lưu lượng”, ông Vũ Tuấn Anh phân tích.

Cùng quan điểm, ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam đánh giá, nguyên nhân khiến nhiều tuyến cao tốc khó hút nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ là hiện nay các tuyến cao tốc thường đi vào các vùng hẻo lánh, không kết nối với hệ thống đường địa phương, dẫn đến ngoài việc kinh doanh phục vụ các phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc thì họ không kinh doanh ngoài được.

Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh chủ yếu tập trung vào một số dịch vụ như: ăn uống, nhiên liệu và nghỉ ngơi ít thôi. Trong khi đó ở nước ngoài, các trạm dịch vụ này ngoài việc kinh doanh ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ hành khách còn được kinh doanh các outlet như quần áo, giầy dép như một siêu thị, người dân ở đó có thể ra đó mua.

Hơn nữa, thời gian hoàn vốn dài, thậm chí còn dài hơn vòng đời cao tốc mà công ty quản lý khai thác. Một bất cập nữa là Bộ GTVT quy định trong trạm dừng nghỉ có một số hạng mục free như toàn bộ khu vực vệ ính và chỗ đỗ xe. Tuy nhiên để vận hành một hệ thống nhà vệ sinh như vậy tốn khá nhiều tiền.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, tiêu chuẩn đã quy định mỗi 50 – 60km có trạm dừng nghỉ bình thường và mỗi 120km có trạm có quy mô lớn hơn, thậm chí có nhà nghỉ.

“Cần chuẩn hóa thiết kế trạm dừng nghỉ theo công năng sử dụng để nhà đầu tư dễ hình dung các hạng mục công trình. Tuyến cao tốc nào lưu lượng xe chưa cao, nhà đầu tư có thể phân kỳ đầu tư đến khi hoàn thiện để khuyến khích họ tham gia”, ông Chủng góp ý.

Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Do đó, ông Trần Chủng cho rằng, phải xác định trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách mà phải kinh doanh được thì mới hấp dẫn nhà đầu tư. Để làm được, cần tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về quy mô, vị trí trạm.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc

Phải xác định trạm dịch vụ không chỉ phục vụ cho hành khách mà phải kinh doanh được mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Phải xác định trạm dịch vụ không chỉ phục vụ cho hành khách mà phải kinh doanh được, có điểm nhấn trong việc thu hút kinh doanh các dịch vụ ngành nghề khác thì lúc đó các trạm dịch vụ mới hấp dẫn nhà đầu tư”.

Bên cạnh đó, theo ông Chủng, đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam tới đây, cần công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô của từng trạm để nhà đầu tư lựa chọn và tham gia thông qua hình thức đấu thầu.

Hiện đang có tình trạng mặc định là trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó quyết định đầu tư, trong khi nhà đầu tư của địa phương chưa chắc đã đủ tiềm lực

“Cần quy định rõ thẩm quyền quyết định xây dựng. Cấp quyết định đầu tư tuyến đường sẽ là cấp quyết định đầu tư trạm. Bộ GTVT kết hợp với địa phương tổ chức đấu thầu, không phải chỉ có địa phương quyết định như hiện nay”, ông Chủng đề xuất.

Được biết, hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu sử dụng nguồn vốn đầu tư công, bỏ một phần chi phí để giải phóng và san lấp mặt bằng, có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Việc này được đánh giá sẽ bớt được chi phí và dễ thu hút nhà đầu tư. Căn cứ vào lưu lượng dự báo, nhà đầu tư có thể tính toán đầu tư quy mô phù hợp.

Trong một số trường hợp khó khăn, Nhà nước sẽ làm một số hạng mục công ích như sân bãi, đường dẫn vào trạm. Khi trúng thầu, nhà đầu tư chỉ phải bỏ kinh phí để xây dựng hạng mục kinh doanh thương mại và lấy lợi nhuận từ đây để vận hành các hạng mục Nhà nước đã đầu tư.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button