Thị trường chứng khoán đang chuyển biến tích cực
Sau đà hồi phục tích cực trước đó, phiên 2/6, VN-Index đã xuất hiện nhịp chỉnh đầu tiên khi giảm 11 điểm xuống mốc 1.289 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, cao hơn trung bình 10 phiên liền kề và có sự gia tăng đột ngột vào cuối phiên, cho thấy phe bán đang chiếm ưu thế áp đảo. Trong đó, lực cung tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và thép. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thủy sản, bảo hiểm và bán lẻ vẫn duy trì được sắc xanh cho tới cuối phiên…
Thị trường chứng khoán đang trên đà hồi phục(ảnh minh họa)
Cơ hội đầu tư cổ phiếu trở lại?
Diễn biến 2 tuần qua cho thấy nhà đầu tư vẫn còn thận trọng, giao dịch thăm dò sau “cú rơi” sâu của thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng giới phân tích lại cho rằng đây là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu. Bởi lẽ, hàng loạt mã chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt đang nằm ở mức thấp nhất 2-3 năm, nhiều cổ phiếu đang được giao dịch ở mức chỉ bằng 50%-60% giá lúc VN-Index gần 1.500 điểm.
Theo giới phân tích, việc cơ quan chức năng xử lý hàng loạt lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp (DN) niêm yết vi phạm thao túng chứng khoán, thổi giá cổ phiếu… đã giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn ngoại đã mua ròng trở lại trên thị trường trong tuần qua (từ ngày 30-5 đến 3-6) với giá trị 2.127 tỉ đồng; khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng 208 tỉ đồng.
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV – nhận định thị trường cổ phiếu thời gian tới sẽ tiếp tục có những điều chỉnh cần thiết nhưng là để giúp TTCK ổn định hơn, lành mạnh hơn. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực.
Về triển vọng trong tháng 6 cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng đã xuất hiện nhiều yếu tố thúc đẩy TTCK tăng trưởng. Trong tháng 6 có diễn biến tích cực là Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tìm mọi cách khôi phục kinh tế bằng việc hỗ trợ lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế với quy mô lên tới 5.000 tỉ USD… Trong nước, Việt Nam mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ các lĩnh vực thương mại, du lịch, giải trí… phát triển; gói kích thích kinh tế mới đang được đẩy mạnh; dòng vốn FDI phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ là động lực lớn để TTCK khởi sắc. Các DN niêm yết có lợi nhuận ròng rất tốt sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Dự báo lợi nhuận ròng của các DN niêm yết trên HoSE sẽ tăng 21% trong 2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng này cao gấp đôi tốc độ 15 năm qua.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cũng cho rằng TTCK trong ngắn hạn đang có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều lý do để cổ phiếu có thể hồi phục dù khó đạt đỉnh của 2 tháng trước. Những cổ phiếu vốn hóa lớn có hoạt động sản xuất – kinh doanh tốt hay các ngành hưởng lợi từ tình hình thế giới như dầu khí, phân bón, hóa chất, nông sản, thủy hải sản, dệt may… sẽ tăng giá tích cực.
“Nhiều khả năng ngành ngân hàng cũng sẽ tạo được dấu ấn nếu được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới để phục vụ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế” – ông Lê Quang Minh nhìn nhận.
Lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư
Dưới góc độ đầu tư, TS Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng hiện tại, P/E của các DN niêm yết đang ở mức trung bình chỉ gần 11 lần – điều hiếm khi xảy ra, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết vẫn duy trì 18%-19%, cho thấy cổ phiếu đang định giá rất hấp dẫn.
“Rủi ro của TTCK luôn đi kèm cơ hội. Nếu xét trên phương diện giá, so sánh nội tại nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của DN, hiện tại cơ hội để thị trường hồi phục cao hơn. Đặc biệt, nhiều thông điệp của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý ngành chứng khoán cho thấy sẽ định hướng một TTCK bền vững, lành mạnh nên nhà đầu tư an tâm hơn” – TS Lê Đạt Chí nhận xét.
Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, người đang trực tiếp điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vừa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống giao dịch KRX, tạo điều kiện để triển khai sản phẩm, dịch vụ mới cho TTCK. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều tiện ích mới, như giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng, giao dịch trong ngày (T+0)… Việc đề xuất sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30 là giải pháp để thị trường phái sinh không ảnh hưởng lớn đến giao dịch trên thị trường cơ sở.
Tại nghị trường Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định “TTCK đang rất tốt”. So với lịch sử hình thành và phát triển của các TTCK trên thế giới thì TTCK Việt Nam mới hoạt động 22 năm. Bên cạnh đó, trái phiếu DN năm 2021 đạt hơn 1,34 triệu tỉ đồng (tương đương 15% GDP). Nếu so mức này với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp, như Trung Quốc trái phiếu DN chiếm 35,6% GDP, Nhật Bản là 17,4%, Malaysia 56%…
Dù thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc vi phạm trên TTCK và trái phiếu DN nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính tin tưởng các thị trường này vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt. “Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành nghị định để thực hiện một cách minh bạch hơn, tốt hơn, bịt lỗ hổng trong TTCK. Bên cạnh đó là sửa đổi Luật Chứng khoán” – ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực, với lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, trong năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã chính thức vận hành. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 với một số mục tiêu phát triển như: đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP. Nghị định 153 về phát hành trái phiếu DN của Chính phủ dự kiến sẽ được sửa đổi nhằm tăng cường minh bạch hóa, kiểm soát rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là đối với các đợt phát hành riêng lẻ cùng với việc rà soát các nghị định liên quan và Luật Chứng khoán.
“Nhìn chung, thị trường đang nằm trong xu hướng tăng. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng thêm một phần nhỏ tỷ trọng vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và đang được dòng tiền mạnh hướng tới”, chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị.
Quốc Huy