Thấy gì từ vụ CEO Telegram bị bắt?
CEO Telegram Pavel Durov bị bắt giữ với cáo buộc liên quan đến nội dung được lưu hành trên ứng dụng nhắn tin này.
Pavel Durov, tỷ phú người Nga sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD, nhà sáng lập và chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin Telegram, đã bị bắt tại sân bay Le Bourget bên ngoài Paris ngay sau khi hạ cánh trên một chiếc máy bay phản lực tư nhân vào cuối ngày 24/8.
CEO Telegram đã bị bắt giữ sau cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát về cáo buộc cho phép nhiều loại tội phạm xảy ra do thiếu kiểm duyệt nội dung trên nền tảng này và bất hợp tác với nhà chức trách.
Phía Telegram cho rằng, tuân thủ luật pháp EU, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số – hoạt động kiểm duyệt của Telegram nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện.
Ứng dụng được mã hóa này, với gần 1 tỷ người dùng, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Sau khi bất đồng với cách quản lý tại quê nhà, Telegram bắt đầu bị chặn vào năm 2018 vì lý do từ chối tuân thủ lệnh của tòa án cấp cho các dịch vụ an ninh Nhà nước quyền truy cập vào các tin nhắn được mã hóa của người dùng. Durov chuyển hoạt động chính ra bên ngoài bao gồm các thị trường trọng điểm Dubai, Berlin, London, Singapore và San Francisco.
Sau khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, nền tảng này đã trở thành nguồn chính cung cấp nội dung tự do. Một số nhà phân tích gọi đó là “chiến trường ảo” cho cuộc chiến thực, được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức Kiev, cũng như chính phủ Nga sử dụng rộng rãi.
Phó Chủ tịch hội đồng quốc phòng an ninh Nga, ông Medvedev thường xuyên sử dụng Telegram để chỉ trích phương Tây. Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng tăng của Telegram đã khiến một số quốc gia ở châu Âu, bao gồm cả Pháp, phải giám sát chặt chẽ về các vấn đề bảo mật và vi phạm dữ liệu.
Durov sở hữu hoàn toàn Telegram, ông từng cho biết công ty của mình từng được định giá 30 tỷ USD, doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Thực tế, đây là một trong những “gã khổng lồ” công nghệ có nguồn gốc từ Đông Âu.
Ứng dụng nhắn tin này được đánh giá rất cao về tính bảo mật, rắc rối sinh ra từ đây, do nhiều người dùng trong môi trường phức tạp, thậm chí bị lợi dụng vào mục đích xấu – các chính phủ không đồng tình với điều này.
Các chuyên gia truyền thông mạng cho rằng, vì lấn sân sang lĩnh vực quảng cáo nên CEO Durov bị “nhòm ngó”. Mới đây, Telegram ra mắt dịch vụ chia sẻ 50% doanh thu quảng cáo với nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của mình. Họ còn áp dụng chính sách tài khoản dành riêng cho doanh nghiệp. Việc hãng tìm doanh thu từ quảng cáo được đánh giá là xung đột với mục đích ra đời của họ, là nội dung ít bị kiểm duyệt.
Lược bỏ các vấn đề chính trị, châu Âu và Mỹ gần đây tỏ rõ quan điểm lo ngại về mặt an ninh liên quan đến nhiều công ty công nghệ lớn. Các quốc gia này không ngừng có các động thái kiểm duyệt, can thiệp cách thức xử lý nội dung dữ liệu, kể cả với những công ty “con cưng” như Google, Facebook, YouTube, hay X,…
Sau thời kỳ phát triển tự do hình thành các Bigtech, đây là giai đoạn mà các chính phủ tăng cường kiểm soát, can thiệp. Ở một số nơi, việc người dân trao đổi những gì trên không gian mạng không thể nằm ngoài tầm mắt của cơ quan chức năng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp