Tham vọng dẫn đầu của Central Retail tại Việt Nam
Central Retail đang đặt nhiều sự kỳ vọng vào sự phát triển và mở rộng của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên, mọi sự có thể sẽ không dễ cho nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan.
5 năm cho cuộc dẫn đầu
Central Retail, nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan, đã công bố khoản đầu tư mới nhất vào Việt Nam, với tổng trị giá 50 tỷ baht (34,6 nghìn tỷ đồng) từ năm 2023 – 2027 để tăng tốc sự hiện diện của mình tại thị trường này.
Mới đây, tờ Bangkok Post đã dẫn lời Giám đốc điều hành của Central Retail, ông Yol Phokasub phát biểu rằng tập đoàn này hiện đang coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Đồng thời, với chỗ đứng vững chắc của Central Retail trong nước, họ đã đặt ra lộ trình 5 năm để tiếp tục mở rộng ở đó, phân bổ 50 tỷ baht trong thời gian 5 năm.
Trước đó, Tập đoàn Central Retail đã đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng để mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2022. Hiện đơn vị kinh doanh tại Việt Nam có hơn 340 cửa hàng với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu mét vuông trên 40 tỉnh thành. Công ty cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu bán hàng nhanh chóng trong nước, tăng từ hơn 200 tỷ năm 2014 lên 26 nghìn tỷ đồng vào năm 2021.
“Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bất chấp những bất ổn. Chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so với mức 3,5% một năm của Thái Lan trong hai năm tới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”, ông Olivier Langlet, Giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam cho biết.
Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được ước tính trị giá 49,7 tỷ USD mỗi năm với tốc độ tăng trưởng 10-12% mỗi năm. Dân số thành thị của đất nước cũng tiếp tục gia tăng cùng với thương mại hiện đại, dự kiến sẽ chiếm 13% tổng thị trường bán lẻ của Việt Nam vào năm 2027 từ mức 8% vào năm 2016.
Ngoài ra, lượng khách du lịch quốc tế được dự báo sẽ tăng trở lại như năm 2019 với 19 triệu lượt khách trong năm nay và tăng lên 21 triệu lượt vào năm 2025.
Với những tín hiệu tích cực này, Central Retail Việt Nam muốn phát triển mảng kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc để củng cố vị trí dẫn đầu trong phân khúc đại siêu thị tại Việt Nam bằng cách đổi mới thương hiệu và mở rộng thị trường. Trong tương lai, có thể sẽ tăng thêm khoảng 8-10 đại siêu thị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.
Bên cạnh đó, theo vị Giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam cho biết công ty cũng đang có kế hoạch cải tạo 10-12 chi nhánh của chuỗi điện máy Nguyễn Kim và thêm 3-5 chi nhánh mới, bao gồm các cửa hàng trung tâm mua sắm trong hệ thống GO!.
Cũng theo kế hoạch mở rộng, Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2.
Không dễ cho Central Retail
Central Retail là nhà bán lẻ lớn nhất của Thái Lan, họ được biết đến nhiều sau khi bỏ ra hơn 1 tỷ USD để thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam trước đây. Giờ đây, với kế hoạch rót thêm vốn để thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ này đang hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại tại đây.
Tính đến cuối năm 2022, Central Retail là một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn này có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại trên 40 tỉnh thành với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m2. Kế hoạch của gã khổng lồ Thái Lan sẽ trở thành nhà bán lẻ thực phẩm đa kênh số 1 và số 2 về số lượng trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2027.
Tuy nhiên, tại Việt Nam không chỉ có Central Retail. Các tập đoàn lớn của nước ngoài và ngay cả những ông lớn bán lẻ của Việt Nam cũng đang tập trung sức mạnh để mở rộng và chiếm lĩnh một trong những thị trường được đánh giá là năng động nhất Đông Nam Á.
AEON Việt Nam (thuộc Tập đoàn AEON – Nhật Bản) cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Đến năm 2030, mục tiêu của nhà bán lẻ Nhật Bản sẽ là 30 trung tâm mua sắm mới tại các thành phố lớn, cùng với đó là việc phát triển các trung tâm và siêu thị có quy mô nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực lớn của Việt Nam trong thời gian qua đang nổi lên và cho thấy, cuộc “so găng” giữa các nhà bán lẻ nội và ngoại sẽ còn nhiều điều ở phía trước.
Nova Consumer đã hoàn tất thương vụ M&A Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods) trong năm 2022, nhằm hiện thực hóa tham vọng mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ trong tương lai.
WinCommerce của Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+, cũng đang nắm trong tay mạng lưới hơn 3.000 siêu thị. Năm 2022, WinCommerce đã tái cấu trúc thành công toàn bộ chuỗi bán lẻ và hoàn tất chuyển đổi thương hiệu.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng là một nhân tố bí ẩn khi đang đẩy nhanh tiến độ để có thể đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Mục tiêu của Saigon Co.op sẽ giữ vững vị thế đứng đầu về số lượng cửa hàng, siêu thị bán lẻ trên cả nước nhằm đem lại nhiều sản phẩm chất lượng tới tận tay cho người tiêu dùng cả nước.
Có thể nói, Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, cũng đang có một sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực bán lẻ. Nhiều chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ đã qua thời “cá lớn nuốt cá bé”, mà đây là thời của “ai nhanh hơn sẽ thắng”.
Với kế hoạch nhanh chóng mở rộng và đầu tư lớn, Central Retail liệu có nắm trong tay nhiều lợi thế?