Tăng cường hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng
Mới đây, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Giảm phát thải carbon trong ngành thép: Thách thức và cơ hội cho Việt Nam”. Buổi thảo luận này đánh dấu sự ra mắt của chuỗi “Tọa đàm Khí hậu Hà Nội”, nhằm ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bên liên quan đến từ các Bộ, ngành và cơ sở nghiên cứu, đào tạo: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, các thành viên trong cộng đồng ngoại giao và khu vực tư nhân.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Guido Hildner – Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức cho biết: Sản xuất thép trên toàn thế giới tạo ra tối thiểu là 7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Dấu chân carbon của nó chạm tới hầu hết các ngành công nghiệp. Ngành thép của Đức là một trong những ngành phát thải CO2 lớn nhất. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất thép, hiện dẫn đầu Đông Nam Á và vẫn là một trong những ngành phát thải carbon chính của đất nước.
Châu Âu và Đức đặt mục tiêu trở thành những nước đi đầu trong sản xuất thép có hàm lượng CO2 thấp với mục tiêu chính là gắn sự thịnh vượng với giảm phát thải carbon. Vì vậy, Đức đã khởi động Câu lạc bộ Khí hậu trong khuôn khổ COP28 năm ngoái với mục tiêu cung cấp hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong quá trình nỗ lực tiến tới phát triển nền công nghiệp thân thiện với khí hậu. Tôi tin tưởng rằng với việc làm cho ngành thép vững vàng trong tương lai, ngành này có thể đóng góp đáng kể vào hoạt động chống biến đổi khí hậu toàn cầu và sự thịnh vượng kinh tế.
Trong buổi thảo luận, các chuyên gia quốc tế đã khám phá các khía cạnh công nghệ, kinh tế và chính sách của việc chuyển đổi sản xuất thép sang các phương pháp bền vững hơn. Thép là một trong những vật liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và là thành phần trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, do đó thép trở thành ưu tiên toàn cầu trong việc giảm phát thải carbon. Việc khử carbon trong các lĩnh vực khó có thể cắt giảm như thép đòi hỏi phải áp dụng nhiều công cụ, công nghệ và huy động đầu tư.
Ông Chu Hoàng Đức Anh, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thải carbon và nêu bật các chiến lược quốc gia về chuyển đổi bền vững, phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu. GS.TS. Bùi Anh Hòa, giảng viên, Trưởng Khoa Kỹ thuật vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về quy trình sản xuất thép tại Việt Nam và các phân tích của ông về cách giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thép dưới góc độ khoa học.
Bà Cécile Seguineaud, nhà phân tích chính sách công nghiệp, Chương trình Huy động đầu tư và tài chính cho năng lượng sạch, OECD, nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhiều vào công nghệ carbon thấp để điều chỉnh tăng trưởng ngành công nghiệp cho phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của các quốc gia. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong việc thiết kế các giải pháp tài chính và cải thiện các điều kiện khung giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành thép.
Bà Jennifer Pham, Cố vấn khu vực về Chuỗi giá trị bền vững, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, trình bày về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU nhằm giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon, tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất thép và khuyến khích các ngành công nghiệp trên toàn cầu giảm phát thải carbon và nắm bắt các công nghệ xanh hơn.
Buổi tọa đàm đóng vai trò quan trọng trong việc nêu bật nhu cầu cấp thiết về khử carbon trong các ngành công nghiệp phát thải nặng và tái khẳng định tầm quan trọng của hành động khí hậu toàn cầu. Xem xét vai trò then chốt của ngành thép trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, sản xuất, di chuyển và cơ sở hạ tầng, mức tăng trưởng dự kiến của ngành này khẳng định ý nghĩa lâu dài của nó trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
TGA