Sun Group tham vọng gì ở hãng hàng không “siêu sang” Sun Air?
Sun Group “khuấy đảo” ngành hàng không chung khi ra mắt Sun Air chuyên phân khúc hạng sang với mục tiêu là dòng máy bay phản lực thương gia, vốn được ví như những “cung điện bay”.
Bộ Giao thông Vận tải vừa cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Sun Air – hãng hàng không trực thuộc Sun Group.
Đại diện Sun Group cho biết, hãng hàng không Sun Air sẽ cung cấp hai loại hình, dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ.
Theo lộ trình, từ quý III, hãng sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, hãng dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, một trực thăng và hai thuỷ phi cơ.
Hãng cũng dự kiến sẽ khai thác thêm máy bay thuộc đẳng cấp cao nhất trong dòng máy bay phản lực thương gia, vốn được ví như những “cung điện bay” là Boeing BBJ và Airbus ACJ.
Nhóm khách hàng mà Sun Air hướng tới cũng là giới thượng lưu có khả năng chi trả cao như các doanh nhân, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đi giao dịch công tác, khảo sát dự án, chữa bệnh, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Hãng hàng không của Sun Group cũng đặt mục tiêu trở thành hãng cung cấp chuyên cơ toàn cầu, sử dụng các loại tàu bay tốc độ nhất thế giới.
Như vậy, Sun Air sẽ là hãng hàng không chung đầu tiên của phân khúc hạng sang, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, nhấn mạnh, việc ra mắt hãng hàng không Sun Air hoàn toàn nằm trong lộ trình phát triển bền vững của Sun Group.
“Sun Air sẽ không chỉ thêm một mảnh ghép mới trong bức tranh hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chất lượng – đẳng cấp – khác biệt của Sun Group, mà còn góp phần khai mở sự phát triển của phân khúc hạng sang trong ngành hàng không chung Việt Nam – lĩnh vực đầy tiềm lực ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới”, Chủ tịch HĐQT Sun Group nhấn mạnh.
Với dịch vụ bay thuê chuyến, tham quan bằng trực thăng và thủy phi cơ, Sun Air được cho biết sẽ kết nối những sản phẩm trong hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – bất động sản của Sun Group, tạo nên chuỗi trải nghiệm thượng lưu khép kín, an toàn, tiện nghi và riêng tư đầu tiên tại Việt Nam.
“Đây sẽ là dòng sản phẩm đi trước đón đầu, dẫn dắt xu hướng, góp phần ghi tên Việt Nam lên bản đồ du lịch cao cấp thế giới“, đại diện Sun Group cho biết thêm.
Đối với dịch vụ cung cấp trực thăng và thủy phi cơ phục vụ du lịch, tham quan, ngắm cảnh, Sun Air cho biết hãng đang làm việc với các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như hãng trực thăng Agusta, Airbus, Sikorsky hay hãng thuỷ phi cơ De Havilland Canada, hãng sản xuất máy bay Cessna thuộc Tập đoàn Textron Mỹ, nhằm cung cấp những trải nghiệm bay an toàn cao và hoàn toàn khác biệt tới khách hàng.
Sun Air đã chọn bắt tay với các đối tác cung cấp dịch vụ bay hàng đầu thế giới như Gulfstream Aerospace và Jet Aviation. Đây là hai tên tuổi thuộc Tập đoàn General Dynamics, có tuổi đời hơn 65 năm trong lĩnh vực hàng không và đặt trụ sở tại gần 50 quốc gia. Gulfstream Aerospace hiện là thương hiệu của các loại máy bay phản lực sang trọng bậc nhất thế giới, cũng là hãng hàng không đạt tăng trưởng ấn tượng nhờ đề cao sự an toàn, riêng tư và tốc độ. Trong khi đó, Jet Aviation cung cấp dịch vụ hàng không trên toàn thế giới, gồm quản lý máy bay, huấn luyện nhân sự, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay…
Ngoài ra, đại diện Sun Air cho biết hãng cũng sẽ xúc tiến để mở rộng hợp tác với những “người khổng lồ” khác trong lĩnh vực hàng không.
Trên thực tế, cả nước hiện chỉ còn 4 hãng hàng không chung đang hoạt động là Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty CP Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty CP Hàng không Hải Âu.
Tại các nước trên thế giới và ngay cả ASEAN, hàng không chung khá phát triển, do đáp ứng nhiều nhu cầu đa dạng bằng các phương tiện khác nhau (máy bay cánh bằng, trực thăng, kinh khí cầu, tàu lượn, máy bay siêu nhẹ thể thao…). Theo đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), nhiều nước như Mỹ đẩy mạnh các hoạt động hàng không chung, sân bay nhỏ.
Mỹ có những sân bay chỉ có mỗi đường cất hạ cánh và khu đỗ xe, phục vụ cho các chuyến bay tư nhân, dịch vụ y tế, nông nghiệp… với mạng lưới 5.000 sân bay. Đại diện TEDI cho rằng, mô hình của Mỹ là ví dụ để Việt Nam có thể xem xét để phát triển hàng không chung trong tương lai.
Trên thực tế, tiềm năng của thị trường hàng không chung tại Việt Nam được đánh giá rất lớn nhưng chưa khai thác nhiều. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty tư vấn hàng không ARGUS International, hàng không tư nhân phục hồi nhanh hơn nhiều ngành, trong đó du lịch bằng máy bay tư nhân tăng trưởng cao hơn 15% so với thời điểm trước đại dịch.
Do đó, sự ra đời của Sun Air sẽ không chỉ đặt nền móng cho một thương hiệu hàng không chung cao cấp tại Việt Nam, tạo cú hích cho lĩnh vực du lịch hạng sang.
Trước đó, Sun Group đánh dấu bước lấn sân sang thị trường hàng không với dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Với tổng giá trị đầu tư 7.463 tỷ đồng, đây là cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787.
Và chính sân bay Vân Đồn cũng được Sun Air chọn làm sân bay căn cứ và đỗ máy bay qua đêm cho đội máy bay của hãng là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không và không gây áp lực lên vị trí đỗ máy bay, cơ sở hạ tầng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thị trường mục tiêu của Sun Air sẽ là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn