Starbucks “gây nghiện” như thế nào?
Phong cách và thói quen uống cà phê tại các quốc gia là không giống nhau. Vậy nhưng, Starbucks chỉ tạo ra một hương vị duy nhất để phục vụ cho tất cả!
Bây giờ cửa hàng cà phê Starbucks không khó tìm thấy tại các thành phố lớn của Việt Nam, ở đâu cũng vậy dù luôn luôn tọa lạc tại những nơi sầm uất nhất nhưng mùi hương thơm nồng của cà phê Arabica là một trong những điểm đặc trưng nhất mỗi khi người ta bước vào một cửa hàng Starbucks.
Mọi thứ đều…thơm
Từ khi mở quán cà phê đầu tiên tại Seattle, các ông chủ người Mỹ đặt ý tưởng biến cà phê thành thức uống cho mọi người, mọi nhà. Nói đúng hơn Starbucks không cố gắng tạo ra phân khúc khách hàng như phần lớn các thương hiệu hiện đang kinh doanh.
Trong mỗi quán cà phê Starbucks luôn luôn thấy rất nhiều giai tầng xã hội, từ học sinh, sinh viên, lao động phổ thông cho đến giới kinh doanh làm ăn, trí thức. Ở mỗi vị trí địa lý Starbucks lại khoác lên mình mỗi chiếc áo khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh.
Tính chất bình dân là thế, nhưng bên trong chuỗi kinh doanh này là hàng loạt chiến lược tiếp thị, quảng bá, khuếch trương hiện diện,… có thể coi là đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại.
Ví dụ, tại Việt Nam, thoạt đầu Starbucks luôn bám theo các tòa nhà văn phòng sang trọng, trung tâm mua sắm lớn, nếu thành công mới “sao chép” ra các địa điểm khác. Thậm chí việc đóng cửa một số địa điểm kinh doanh cũng không phải là bước thụt lùi.
Sau gần 4 thập kỷ ra đời, Starbucks luôn là công ty dẫn đầu thị trường về doanh số bán lẻ cà phê và là một trong số những thương hiệu mạnh và uy tín nhất tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Công cuộc chinh phục người Việt
Thị trường bán lẻ cà phê pha sẵn tại Việt Nam được định giá trên dưới 1 tỷ USD với rất nhiều nhà đầu tư quốc tế và trong nước, đủ các phân khúc, phương pháp và khách hàng. Nhưng dễ thấy nhất là hàng chục nghìn quán cà phê gia đình rất dễ sinh ra cũng rất dễ biến mất.
Bên cạnh đó thị trường cà phê có sự hiện diện của những thương hiệu rất mạnh, như Highlands Coffee, Trung Nguyên, The Coffee House với mật độ cửa hàng phủ dày; ngoài ra còn có sự cạnh tranh khốc liệt của cửa hàng cá nhân đầy rẫy trên mọi con đường.
Người Việt Nam uống cà phê rất khác, phải đậm, đắng, sánh và thơm của dòng Robusta có hàm lượng cafein cao hơn hạt Arabica mà Starbucks thường dùng. Do vậy, người sành cà phê không chọn Starbucsk.
Hương vị cà phê khác biệt là bài toán rất khó với đội ngũ lãnh đạo hãng cà phê Mỹ – nếu muốn tồn tại ở Việt Nam. Để bù khuyết, Starbucks chọn phương án đánh vào tâm lý cộng đồng của người Việt.
Ví dụ, họ thu mua cà phê Tây Nguyên đem giới thiệu tại nhiều cửa hàng khắp thế giới, nhân lên niềm tự hào của người Việt. Bên cạnh đó là chuỗi hoạt động hỗ trợ người trồng cà phê Việt Nam cải thiện thu nhập, gây thiện cảm trong cộng đồng.
Nhãn hiệu cà phê rặc “mùi Tây” này cũng tinh chỉnh một số công đoạn hoạt động để phù hợp với văn hóa của người Việt, như kiến trúc cửa hàng, có chương trình riêng để đào tạo nhân nhân viên.