SOS thủy lợi Bắc Hưng Hải!
Trong tương lai gần hệ thống Bắc Hưng Hải sẽ tiếp nhận lượng nước thải ngày càng tăng, nếu không có biện pháp thu gom, xử lý thì tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng.
Những năm gần đây, khu vực Bắc Hưng Hải đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt… Theo đó là tình trạng xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Bốn địa phương ở miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đang chịu sự ô nhiễm đó.
Gây ô nhiễm diện rộng
Theo báo cáo của Viện nước Tưới tiêu và Môi trường năm 2017, toàn hệ thống Bắc Hưng Hải có 83 kênh chính và kênh nhánh bị ô nhiễm. Nước thải ô nhiễm từ các kênh trên chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải rồi sang các địa phương khác, gây ô nhiễm diện rộng. Có tới 172 xã, thị trấn (chiếm 44,9%), bị ảnh hưởng.
Mặc dù đã có cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong năm 2021, quan trắc tại 10 điểm trên kênh trục Bắc Hưng Hải thì hầu hết các thông số DO, BOD5, COD, NH4+, PO43- và Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép.
Đại diện Công ty Bắc Hưng Hải cho rằng, mặc dù biến động chất lượng nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng xả, điều kiện thời tiết khí tượng thủy văn của mỗi năm nhưng đều có xu hướng gia tăng theo thời gian cả về phạm vi và mức độ.
Ghi nhận, trên địa bàn TP Hà Nội khi cống Xuân Thụy mở tiêu nước sông Cầu Bây thì nước sông Bắc Hưng Hải qua địa phận các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên bị ô nhiễm, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Bình Giang, Cẩm Giàng của Hải Dương.
Tại Hưng Yên, nước thải từ TP Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng đổ vào kênh Cửu An gần cống Bằng Ngang luôn nước màu xanh lục, mùi hôi. Thực vật thuỷ sinh cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn.
Theo Thượng tá Mai Tuấn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên, 70% lượng nước gây ô nhiễm cho kênh Bắc Hưng Hải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề,…; 28% là từ hoạt động sản xuất công nghiệp; 2% từ hoạt động y tế.
Giải pháp nào xử lý dứt điểm ô nhiễm?
Được biết, từ năm 2018 đến nay, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và Công an 4 tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT, các công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh trong hệ thống phát hiện, xử lý gần 290 vụ việc về xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý hoặc không đạt chuẩn ra môi trường.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, trước đây hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được thiết kế với nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt,… nhưng nay phải nhận thêm khối lượng nước thải gần 500 ngàn m3/ngày đêm nước thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nên cần phải đầu tư, nâng cấp công trình để thực hiện thêm nhiệm vụ này.
Do đó, Bộ này đề nghị, các địa phương đầu tư xây dựng bổ sung các công trình cấp đủ nguồn nước theo thiết kế cho hệ thống và thực hiện nạo vét kênh trục Bắc Hưng Hải để đảm bảo duy trì dòng chảy giảm thiểu ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT còn đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tuyến kênh ô nhiễm nặng và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực: Kênh Cầu Bây thuộc địa bàn TP Hà Nội; nước tiêu KCN Như Quỳnh và Tân Quang trên kênh Kên Thành qua cống Ngọc Đà – Tân Quang ra sông Đình Dù; nước tiêu KCN Phố Nối A qua cống Văn Phú, khu công nghiệp Phố Nối Bqua cống Phần Hà ra kênh Kim Sơn; nước tiêu KCN Minh Đức, các doanh nghiệp ven sông Cầu Lường các xã Ngọc Lâm, Xuân Dục, Bạch Sam (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên)…
“Các địa phương cần cương quyết từ chối tiếp nhận các dự án đăng ký đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, công nghệ lạc hậu. Không cho các dự án không có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo đi vào hoạt động” đại diện Bộ NN&PTNT khuyến cáo.
Theo Thu Hà – Lan Vũ (báo Diễn đàn Doanh nghiệp)