Quy định “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn

Dù có nhu cầu lớn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn nhưng những ràng buộc về tài sản thế chấp cũng như quy định hạn mức khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ nhận định, hiện nay là thời điểm khó khăn nhất của ngành nông nghiệp. Chính sách nhà nước có, nhưng tới ngân hàng thì không vay được, rất khó khăn.

Quy định “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn

Cần có chính sách hỗ trợ, đừng để tình trạng người nông dân có đất nhưng không có tiền đầu tư trong khi người đi thuê không có đất cũng không vay được.

Cụ thể, người dân mua đất làm trang trại rất cao nhưng thế chấp vào thì ngân hàng định giá theo khung nhà nước rất thấp. Trước kia hạn mức tín dụng cho vay cá nhân 30 tỉ đồng thì từ năm 2020 giảm còn 20 tỉ đồng dù tài sản thế chấp hiện vẫn trên 30 tỉ đồng.

“Chẳng lẽ xẻ đôi tài sản để vay ngân hàng khác. Hỏi ngân hàng thì được trả lời đó là chính sách chung, muốn thay đổi thì ra trung ương”, ông Ngọc cho biết.

Do đó, ông Ngọc đề xuất ngân hàng nên cho vay với tài sản hình thành trong tương lai như công nghệ máy móc nhập khẩu, đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn…, để đầu tư để đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang cực kỳ khó khăn do tác động của kinh tế nói chung và đặc biệt là thịt nhập về quá rẻ. Sản phẩm làm ra không bán được thì lấy tiền đâu để đáo hạn nợ ngân hàng.

“Do đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho nông dân trả lãi thôi, còn chậm trả gốc vì thực tế chỉ là vấn đề sổ sách, còn tài sản đảm bảo ngân hàng vẫn đang giữ”, ông Ngọc đề xuất.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc công ty Vina T&T cũng cho rằng cho rằng hiện nông dân cung ứng đầu vào rất khó tiếp cận vốn.

Theo đó, các nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp lại gặp khó trong chính việc vay vốn ngân hàng. Ở Việt Nam, người nông dân từ Bắc vào Nam đã đổ vốn vào nông nghiệp, cây trồng dài hạn rất lớn nhưng ngân hàng không xem đây là tài sản để có thể vay vốn.

“Do đó, tôi rất trăn trở và mong rằng làm sao Ngân hàng Nhà nước có chính sách để định giá được tài sản trên đất bởi khi đã trồng cây xuống đất 1-2 năm, đã ra lứa trái cây đầu tiên thì mang lại doanh thu. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, đừng để tình trạng người nông dân có đất nhưng không có tiền đầu tư trong khi người đi thuê không có đất cũng không vay được”, ông Nguyễn Đình Tùng đề xuất.

Dù đỡ bị hạn chế hơn so với nông hộ, nhưng doanh nghiệp nông nghiệp lại gặp khó khi vốn vay quá cao. Ông Nguyễn Trọng Phát – Giám đốc Công ty NPFood Việt Nam chia sẻ, trước đây doanh nghiệp vay ngân hàng 10 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và phải thế chấp nhà cửa mới được vay. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo.

Quy định “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn

Nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khi nhà xưởng không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo để vay vốn.

Cùng cảnh, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, doanh nghiệp đang có nhu cầu vay 50 tỷ đồng để đầu tư thêm thiết bị máy móc, thanh toán chi phí cho nông dân cung cấp nguyên liệu… nhưng khi đi gõ cửa rất nhiều ngân hàng, ông Vũ chỉ nhận được những cái lắc đầu.

“Công ty có tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp nhưng ngân hàng không chấp nhận tài sản này”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, vay với tư cách doanh nghiệp thì lãi suất chỉ 8,2%/năm nhưng do không được ngân hàng chấp nhận nên ông đành bấm bụng vay với tư cách cá nhân, chịu lãi suất 11-13%/năm để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Việc vay lãi suất cao khiến Công ty Xuân Nguyên không thể đầu tư thêm máy móc mở rộng quy mô. Đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp cũng không có kinh phí trữ hàng, bao tiêu 100% nông dân như trước mà chỉ ưu tiên những nông hộ đã cung cấp lâu năm. Nói thật, nhìn đầu ra sản phẩm của nhiều hộ nông dân không tiêu thụ được, chúng tôi rất xót nhưng lực bất tòng tâm”, ông Vũ bày tỏ.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button