Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Cần chuẩn bị nguồn nhân lực
Để phát triển thị trường tín chỉ carbon, bên cạnh hành lang pháp lý, theo chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải chuẩn bị nguồn nhân lực…
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí CO2. Mỗi tấn CO2 đạt tiêu chuẩn của thị trường được coi là một tín chỉ carbon và được giao dịch trên thị trường… do đó, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ là đương nhiên mà còn mang tính bắt buộc với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.
Từ thực tế đã nêu, phát triển thị trường carbon là giải pháp quan trọng, đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia mà Việt Nam đã cam kết.
Theo đó, từ năm 2013, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu vấn đề này. Tiếp đến, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định “nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế carbon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”…
Về mặt pháp luật, từ năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định phát triển thị trường carbon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể hơn về nội dung này, có thể thấy, các chính sách đó đã bước đầu tạo ra khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường carbon. Tuy nhiên, thị trường carbon là vấn đề mới, vì vậy, cơ chế, chính sách hiện vẫn chưa được hoàn chỉnh.
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, để phát triển thị trường tín chỉ carbon, chuyên gia cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải chuẩn bị nguồn nhân lực…
Theo GS-TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD, đây là tiền đề để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng.
Nếu Việt Nam tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, nâng tổng số lượng carbon bán ra thì nguồn thu từ thị trường này rất lớn. Nhưng muốn như vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng lộ trình triển khai thị trường carbon trước mắt trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025-2027 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028.
“Vai trò của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng. Hiện cả thế giới có khoảng 100 tổ chức có chức năng đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon. Thời gian tới, chắc chắn Việt Nam phải đầu tư đào tạo phát triển chuyên gia trong lĩnh vực này. Thị trường tín chỉ carbon dù chúng ta thí điểm nhưng đó là thị trường toàn cầu”, GS-TS Võ Xuân Vinh bày tỏ.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, để chuẩn bị cho thị trường tín chỉ carbon, trước mắt, Việt Nam cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
Đặc biệt, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Theo các chuyên gia, ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon. Việt Nam nhất định phải tăng cường công tác đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thị trường này cần những nhân sự về môi giới chuyên nghiệp để tham gia bán tín chỉ như sàn giao dịch chứng khoán, trong đó, những môi giới sẽ được hình thành ở những doanh nghiệp hoặc người dân quan tâm đến thị trường này.
Được biết, liên quan đến phát triển thị trường tín chỉ carbon, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Một trong những chỉ đạo quan trọng là việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 qua Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Kế hoạch này đặt ra các mục tiêu chính về tăng trưởng xanh, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực đối với các lĩnh vực liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan để thực hiện và triển khai các hoạt động và mục tiêu của kế hoạch.
Bên cạnh đó, ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trọng tâm của Nghị định là lộ trình triển khai thị trường tín chỉ carbon.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp