Phẩm giá của thương hiệu
Chưa thời kỳ nào, biểu tượng của thương hiệu lại nhắc đến nhiều như bây giờ. Nhất là khi, chúng ta đã có những tỷ phú đô-la được thế giới bình chọn nhiều năm liên tiếp. Mỗi quốc gia thể hiện phẩm giá theo cách của riêng mình. Và trong kỷ nguyên 4.0, chính họ – đội ngũ doanh nhân sẽ làm nên phẩm giá và quốc tính con người Việt Nam.
Thời thập niên 80 thế kỷ trước, tuổi thơ của tôi là những ngày cuốc bộ đến trường làng. Người quê gọi con đường đất đỏ quạch, quanh năm ngai ngái mùi rơm rạ, mà tôi vẫn đi trong đoản khúc thiếu thời ấy, là đường “cái tây”. Vì chỉ có đường đó lớn nhất, dài nhất, dẫn ra tận tỉnh và được mở từ hồi Pháp thuộc. Vài ngày, mới có chiếc ô tô chạy qua, nhả khói mù mịt, lũ trẻ chúng tôi lại hít hà mùi xăng của nó, khen thơm nức mũi, như là diễm phúc lắm. Thế mà, người lớn thì bảo, nát hết đường, và chửi cái thằng xóm trên mới đi Hungary về, rằng, sắm được con babetta, chiều nào cũng lượn, ầm ĩ, nay lại mang cả bạn đi ô tô về nữa. Rồi họ khinh khỉnh nhìn những “người giàu” ấy, tựa như kẻ không có phẩm giá, phạm tội gì ghê gớm. Họ lánh xa, cấm cửa con cháu đến gần làm quen.
Lớn lên, xuống Thủ đô học, bước vào năm cuối sinh viên, vừa bận thực tập, vừa phải bảo vệ luận văn, bố tôi thương tình cho mượn chiếc “đê đê” đỏ chót – thành quả tích cóp mấy chục năm quân ngũ của ông, để tôi phần nào giải tỏa quỹ thời gian con thoi. Ấy vậy, có vị phụ huynh đưa con nhập học, thấy tôi đến trường, tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi – “cháu đi học bằng xe máy à?”, sau khi nghe tôi trả lời, ông ngao ngán lắc đầu, buông câu: “Hỏng hết!”. Trong khi, tôi cũng như nhiều sinh viên, cũng làm thêm, gia sư, thậm chí tháng tháng cùng nhóm bạn vào Bệnh viện Bạch Mai “bán” máu nhận vài trăm nghìn, góp lại lấy kinh phí đi địa phương thực tế, có tư liệu viết bài.
Chúng ta đã đi qua một thời như thế. Thời “ngại giàu”, “giấu giàu”, thời mà mỗi công chức đều muốn khai vào lý lịch nhà có ba đời “bần cố nông”, nay, điều ấy là tất yếu của xuất phát điểm, chẳng ai lấy đó xem như niềm tự hào nữa. Nhìn lại để ngẫm, có lúc, cái triết lý tư sản chỉ mới manh nha, đã bị dập tắt bởi tư duy của cả một thế hệ, một giai tầng xã hội. Thế nên, những doanh nghiệp tư nhân, những Ký Bưởi đương thì, “không dám lớn” là phải.
Cũng ngót hai thập kỷ, xã hội Việt Nam trong sự vận động đa chiều, tự thân đã làm mất đi cái nếp nghĩ, nếp làm tụt hậu ấy. Người chưa đủ điều kiện, trăn trở phải kinh doanh gì? Người đã có tiền, tìm hướng mở rộng chiến lược ra sao, hợp tác đối tượng nào? Đảng xác định, doanh nghiệp tư nhân phải là mũi nhọn, động lực thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. Chưa bao giờ, chưa thời kỳ nào, họ được tôn vinh như thế, được coi trọng đến thế. Đấy là phẩm giá chung của cả nền kinh tế tư nhân, thứ phẩm giá được bồi tụ từ thực tiễn, từ thành quả số liệu cụ thể. Không nghi ngờ, khi bao lâu nay, mỗi năm khu vực kinh tế này chiếm khoảng 40% GDP cả nước, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Nhớ ngày nào, tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Chính phủ kiến tạo và hành động đã dùng 10 từ để dành cho khu vực kinh tế trọng yếu này, đó là “tạo bình đẳng”, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Trong 10 từ đó, người ta bàn nhiều về “tạo bình đẳng”. Bởi, có bình đẳng, nghĩa là phẩm giá của họ được thừa nhận. Bởi, hơn 30 năm qua, họ chưa thật sự có bình đẳng. Họ bị coi là thành phần nhỏ “ăn theo”, bị xét nét với cụm từ “con buôn”, phải đứng “bên ngoài” trầm trồ, nhìn những “quả đấm thép”, “cánh chim quốc doanh đầu đàn” cất cánh bay như thế nào; nhìn những thảm đỏ lộng lẫy trải dài chào đón các nhà đầu tư FDI. Giờ, họ kiêu hãnh, đứng ngang hàng ở thế “kiềng ba chân” trên bản đồ kinh tế. Họ ngẩng cao đầu kiến nghị giải pháp để “tạo bình đẳng”, đòi quyền lợi, thẳng thắn chống nạn bảo hộ, độc quyền; nêu lên những hình thái cạnh tranh mới giữa doanh nghiệp tư nhân thuần túy và doanh nghiệp tư nhân khoác áo nhà nước, với khái niệm “sân sau”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm” nhằm thao túng chính sách…
Ấy là hành động, là cơ chế, là đường lối của kinh tế tư nhân thời Chính phủ kiến tạo. Nhưng, có những bất bình đẳng, mà bản thể khu vực này phải tự vận động, tháo gỡ. Đấy là tư tưởng. Cái tư tưởng rất bảo thủ, rất “truyền thống”, phổ quát từ thành thị đến nông thôn, cả người già lẫn người trẻ đều hết sức khả tin. Nhiều gia đình không muốn cho con em làm trong công ty tư nhân, dù lương tháng 10 đến 20 triệu đồng. Thay vào đó, họ lo lót cả nửa tỷ để “nhét” bằng được con mình vào nhà nước, với mức lương tháng 4 triệu đồng. Họ nghĩ, nhà nước ổn định, còn tư nhân bấp bênh.
Khi kinh tế thị trường được xã hội hóa trong vòng xoay hối hả, thì vai trò từng cá nhân mang tính cốt yếu. Nhân cách của thương nhân sẽ tạo nên nhân cách của thương hiệu. Một sản phẩm có thể đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, phải được làm ra từ một thương hiệu bền bỉ chính danh. Vài năm gần đây, chúng ta có những tỷ phú đô la Mỹ được Forbes công nhận, với những cái tên Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Trần Bá Dương, Trần Đình Long – họ gắn với các thương hiệu nổi tiếng, quen thuộc nằm lòng không chỉ trong giới doanh nhân. Họ mang đến vũ đài kinh tế bản hòa tấu đa phong cách, bằng tầm vóc trí tuệ và văn hóa, qua họ, thế giới biết về tài năng, phẩm giá thương gia Việt. Trên bầu trời rực rỡ sôi động ấy, chúng ta có quyền hy vọng, sẽ còn xuất hiện hơn nữa những Vingroup, Vietjet Air, Techcombank, Masan, Thaco Trường Hải…; và từ bức tranh thực tiễn đó, cái sự bất bình đẳng tận trong tư tưởng bao người, bao đời đối với doanh nghiệp tư nhân, sẽ dần mai một rồi biến mất.
Khu xử lý nước thải của KCN Nam Cầu Kiền do Công ty CP Shinec làm chủ đầu tư
– một thương hiệu tư nhân về công nghiệp sinh thái.
Nói nay lại ngẫm chuyện xưa. Xưa mà chưa xa vắng, thời người Pháp mới vào thực dân, ở ta đã có một lớp người hao hao “doanh nhân dân tộc”, “thương gia ái quốc”. Ngày ấy, gọi họ là quý nhân, là tư sản chân chính, họ sang trọng đĩnh đạc, đồng hành cùng bước đi thăng trầm của lịch sử cách mạng. Đó là nhà buôn tơ lụa Trịnh Văn Bô, vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi, ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà… Danh vọng sự nghiệp của họ được dựng nên từ những câu chuyện cuộc đời đầy huyền thoại, từ bao đổi thay biến thiên bởi xã hội đương thời.
Ngày nay, hoạt động kinh tế không còn bó hẹp những ngành nghề mang tính sản xuất, cung cấp dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp có thể đàng hoàng ở các lĩnh vực văn hóa giải trí, giáo dục, thể thao… Và đến lúc, chúng ta cần quy định, không phải cứ có tiền là có quyền kinh doanh. Muốn rót vốn đầu tư ngành gì, thì phải am hiểu, được đào tạo bài bản về nghề đó.
Với doanh nghiệp tư nhân, việc tạo dựng thương hiệu lại càng gian nan hơn.
Sau sự sụp đổ của một đế chế, thứ còn lại vĩnh viễn, đó là niên hiệu triều đại. Với doanh nghiệp, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, thứ vốn quý là thương hiệu. Niên hiệu không thể khôi phục cả một đế chế, nhưng nó sẽ trường tồn, biên vào sử sách. Ngược lại, thương hiệu sẽ lụi tàn, mất dần theo thời gian, song cũng có thể vực dậy cả doanh nghiệp, nếu đó là một thương hiệu có nhân cách, có phẩm giá.
THIỆU ANH