Nói sao khi trẻ không nghe lời

Nói sao khi trẻ không nghe lời – Cuốn sách cung cấp rất nhiều chiến lược giao tiếp hữu ích, hoàn toàn có thể vận dụng trong quá trình nuôi dạy con nhiều thách thức. Sách do hai chuyên gia về nuôi dạy con người Mỹ chấp bút là Joanna Faber và Julie King.

Nếu bạn luôn căng thẳng với việc hò hét bọn trẻ vào mỗi buổi sáng; mệt mỏi với việc các con luôn gấu ó, tranh giành, tị nạnh nhau; không ngừng tìm kiếm các phương pháp thiết thực để việc dạy con trở nên dễ dàng và thoải mái hơn thì Nói sao khi trẻ không nghe lời – tác phẩm mới nhất của bộ sách bán chạy Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói, và Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường – chính là một cuốn cẩm nang thiết thực bạn cần trang bị cho mình ngay lúc này.

Nói sao khi trẻ không nghe lời

Cẩm nang nuôi dạy con đắc lực cho các bậc cha mẹ trên toàn thế giới suốt hơn 40 năm

 Trong suốt bốn mươi năm qua, từ lần đầu tiên xuất bản vào năm 1980, cuốn sách Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói của hai tác giả là Adele Faber và Elaine Mazlish đã luôn được đông đảo các bậc phụ huynh xem là “Thánh Kinh nuôi dạy con” với những chỉ dẫn theo hướng tiếp cận thực tiễn trong việc giao tiếp với trẻ sao cho trẻ cảm thấy được tôn trọng. Kế thừa tinh thần của tác phẩm này, Joanna Faber – con gái của Adele Faber và Julie King đã cùng viết tiếp phần thứ ba của bộ sách là Nói sao khi trẻ không nghe lời.

Nói sao khi trẻ không nghe lời

Ở lần trở lại này, Joanna và Faber khai thác chủ đề làm sao để xây dựng chiến lược giao tiếp hữu ích, hoàn toàn có thể vận dụng trong quá trình nuôi dạy con nhiều thách thức. Nói sao khi trẻ không nghe lời cung cấp rất nhiều chiến lược cho cụ thể cho những tình huống nan giải: từ việc phải đối phó với cơn thịnh nộ của trẻ như thế nào, cho đến cách đề cập những vấn đề khó nói cho trẻ nghe như cha mẹ ly hôn, hay phổ cập kiến thức về chuyện tình dục.

Cung cấp những chiến lược thiết thực, sinh động, giàu tính ứng dụng

 Nói sao khi trẻ không nghe lời hướng đến các bậc phụ huynh đang chăm sóc trẻ từ tuổi chập chững biết đi đến 12 tuổi. Sinh động và giàu tính ứng dụng, độc giả sẽ được trang bị các mẹo chiến lược khiến trẻ biết nghe lời cùng các kiến thức nuôi dạy khác nhằm giảm thiểu tối đa xung đột, tăng cường sự hợp tác và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gia đình sau khi đọc cuốn sách này.

Trong Phần I, sách trình bày khái quát các mẹo giao tiếp thiết yếu, sát sườn mà những bậc phụ huynh thường sẽ cần đến, để có thể sống sót qua ngày với đứa trẻ đang từ tuổi chập chững biết đi đến tuổi vị thành niên. Ở cuối mỗi chương, sách còn cung cấp cho bạn đọc các hoạt động, các kỹ năng thực hành trong trường hợp bản thân rơi vào trạng thái bức bối, bực dọc, không vui.

Trong Phần II, bạn đọc sẽ tìm thấy những chủ đề mang tính thời sự theo yêu cầu từ phía độc giả. Ở phần này, nhóm tác giả chia sẻ câu chuyện do các quý phụ huynh và giáo viên gửi đến, cũng như giải đáp thắc mắc về các tình huống éo le, dở khóc dở cười mà phụ huynh có thể gặp phải với đứa trẻ nhà mình.

Nói sao khi trẻ không nghe lời

Truyền tải sâu sắc phương pháp nuôi dạy con dựa trên lòng trắc ẩn

Nói sao khi trẻ không nghe lời là một cuốn sách nuôi dạy trẻ vừa hài hước, vừa sâu sắc. Điều ấn tượng nhất là cuốn sách đưa ra các chiến lược dựa trên nghiên cứu nhưng không nặng về lý thuyết. Thay vào đó, Nói sao khi trẻ không nghe lời đưa ra những ví dụ cụ thể thông qua câu chuyện của các bậc phụ huynh ngoài đời thực.

Dựa trên nền tảng của lòng trắc ẩn, Nói sao khi trẻ không nghe lời hướng dẫn phụ huynh các cách khéo léo nhất để đối phó với những lúc trẻ trở nên khó hiểu, qua các công cụ giao tiếp cơ bản như thừa nhận cảm xúc bằng lời nói và kể chuyện. Sách cũng gợi ý những phản ứng đối với các tình huống phổ biến: chẳng hạn như khi một đứa trẻ hậm hực nói chuyện phóng đại, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc của trẻ thay vì phản đối bằng một thực tế phũ phàng.

Nói sao khi trẻ không nghe lời cũng bàn đến vấn đề trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ (cha mẹ có thể cho trẻ lựa chọn thời điểm được phép sử dụng thiết bị), gọi tên (khuyến khích cha mẹ cho trẻ biết những từ ngữ tiêu cực có thể đem lại cảm giác như thế nào) và hình phạt (để cùng nhau giải quyết vấn đề). Sách còn có một phần dành riêng cho “Những chủ đề nhạy cảm” đưa ra các chiến lược giúp trẻ vượt qua việc bố mẹ ly hôn, hoặc những tìm hiểu đầu đời về tình dục. Văn phong nhẹ nhàng của hai tác giả, kết hợp cùng hình vẽ minh họa hài hước, tiêu đề hấp dẫn, đã giúp cho những chủ đề phức tạp nhất cũng trở nên không quá nặng nề.

Trích đoạn

“Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương. Mọi thứ rồi SẼ ỔN thôi! Ấy thế nhưng thông điệp lọt vào tai bọn trẻ lại rất khác: ‘Con đừng hòng có thứ con muốn và bố thì cóc quan tâm, bởi vì cảm xúc của con đâu quan trọng đến nỗi phải bận tâm. Thành ra, nỗi đau khổ tăng lên gấp bội”.

 “Chúng ta sốt sắng muốn dạy trẻ hình thành một góc nhìn nào đó – rằng con không được suy sụp trước mỗi một điều bé tí ti trong cuộc sống. Chẳng phải một trong những nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con nhận ra điều quan trọng với điều không quan trọng sao? Đúng! Nhưng sai thời điểm! Thời điểm bạn buồn vì đôi giày mới mua bị đánh cắp không phải là thời điểm bạn muốn ai đó lên tiếng nhắc nhở rằng phải biết ơn vì bạn vẫn còn đôi chân. Đến khi bạn mất đôi chân vì bệnh tật, bạn càng không muốn người khác xuất hiện để nhắc nhở rằng bạn thật may vì có những người còn không có chân nào nữa kìa. Chắc chắn, sẽ có một thời điểm nào đó tốt hơn để nêu quan điểm, nhưng ngay lúc này, bạn sẽ đánh giá cao chút lòng thấu cảm chân thành hơn là một lời động viên sáo rỗng”.

 “Thừa nhận cảm xúc không chỉ là một thủ thuật hay kỹ thuật. Đó là một công cụ có thể làm biến chuyển các mối quan hệ. Nó không đảm bảo rằng bọn trẻ sẽ vui vẻ dắt chó đi dạo, sẽ đánh răng hoặc đi ngủ đúng giờ, nhưng nó tạo ra bầu không khí thiện chí mà trong đó tất cả mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn và dễ chịu hơn. Nó cũng đặt nền tảng để con trẻ phát triển khả năng quan tâm và chấp nhận cảm xúc của người khác”.

 Nhận xét của báo chí thế giới

 “Truyền cảm hứng, vô vàn ý tưởng có thể áp dụng, những chỉ dẫn trong cuốn sách này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh cảm thấy mình được trang bị sẵn sàng”.

Publishers Weekly

 “Các bậc phụ huynh đang muốn tìm kiếm một hướng tiếp cận thiết thực trong việc nuôi dạy con sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích”.

Booklist

 “Hãy chừa chỗ cho cuốn sách này trong tủ sách hay căn bếp nhà bạn! Đây là cuốn sách bạn sẽ muốn cầm lấy để đọc mỗi khi tự hỏi ‘Mình nên nói gì bây giờ?’ Sách sẽ khiến bạn bật cười thích thú và học được nhiều điều, đồng thời còn giúp không khí trong gia đình có sự chuyển biến từ mâu thuẫn căng thẳng sang ôn hòa hợp tác”.

Adele Faber, đồng tác giả của quyển sách Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói

 Về tác giả

Joanna Faber & Julie King vừa là tác giả sách bán chạy vừa đồng sáng lập ứng dụng How To Talk: Parenting Tips in Your Pocket và ứng dụng Parenting Hero. Là những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ nhỏ, hai bà vừa viết lách vừa thường xuyên chủ trì các buổi hội thảo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn cho phụ huynh có con từ 2 – 12 tuổi qua điện thoại và video, đồng thời giao lưu nói chuyện tại các trường học, doanh nghiệp cũng như các nhóm phụ huynh trên khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Julie hiện sống ở Vịnh San Francisco, còn Joanna sống ở vùng Thung lũng Hudson, New York.

Ghé thăm họ tại How-to-Talk.com; mạng xã hội Facebook @FaberandKing hoặc Instagram @HowtoTalk.forParents.

Thông tin tác phẩm:

  • Tựa chính: Nói sao khi trẻ không nghe lời
  • Tác giả: Joanna Faber & Julie King
  • Thể loại: Sách nuôi dạy trẻ
  • Giá bìa: 265.000đ
  • Sách do Phương Nam Book và NXB Thế giới liên kết xuất bản.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button