NHNN nới “room” tín dụng, ngành nào hưởng lợi?
Kỳ vọng 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ có bước đột phá khi dư địa còn nhiều, khi đó các ngành như ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng – bán lẻ sẽ được hưởng lợi.
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đột phá
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã công bố nới “room” tín dụng lần 2 trong năm 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần, “room” tín dụng giao các ngân hàng toàn hệ thống là 14%, tương đương năm 2022.
Về thực trạng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, tính đến ngày 15/6/2023, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 3,33% so với cuối năm 2022. Đây là mức rất thấp so với mức hơn 9% của 6 tháng đầu năm 2022, dựa trên hai cơ sở:
Một là, kinh tế thế giới khó khăn, đơn hàng trong nước sụt giảm dẫn đến các doanh nghiệp ít có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hai là, sự phòng thủ sau những sự cố pháp lý diễn ra trên thị trường vào cuối năm 2022 và môi trường lãi suất cao. Điều này có thể thấy thông qua đầu tư tư nhân trong 6 tháng đầu năm 2023 rất thấp. Mức cho vay với các doanh nghiệp, cá nhân phổ biến từ 11 -14%, thậm chí 15% một năm, khiến rất ít doanh nghiệp tốt, chất lượng, chịu vay và ngược lại, những doanh nghiệp khát vốn, lãi nào cũng vay thì lại không đủ tiêu chuẩn.
Điểm tiêu cực khi tăng trưởng tín dụng thấp là tiền không bơm ra được ngoài thị trường, nhưng cũng có điểm tích cực là các khoản cho vay đã có chọn lọc hơn, nên nợ xấu trong năm nay được kỳ vọng không tăng quá nhiều và các ngân hàng sẽ vẫn kiểm soát tương đối tốt.
Ngay sau khi NHNN cấp tín dụng cho các ngân hàng, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 4,73% so với cuối năm 2022, đạt 12,4 triệu tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng 15 ngày, tín dụng đã tăng 1,37%, cao gấp 4 lần so với trung bình trước đó. Điều đó cho thấy những dấu hiệu về lãi suất giảm, các tín hiệu tích cực của kinh tế đã góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ rất mạnh vào quý 3, quý 4 tới đây, cung tiền sẽ dồi dào chảy vào nền kinh tế, chảy vào sản xuất kinh doanh, thì sẽ có một phần chảy vào các tài sản đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Thêm vào đó, lãi suất đang bắt đầu giảm, có thể hỗ trợ toàn diện cho thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế phát triển.
Ngành nào hưởng lợi?
Trong đợt cấp “room” tín dụng này, sẽ có những ngành được hưởng lợi như: Thứ nhất, là ngành ngân hàng, tín dụng tăng trợ giúp kết quả kinh doanh các ngân hàng tăng mạnh cuối năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng quý 4/2023, lợi nhuận các ngân hàng sẽ tăng từ 30 – 40% so với cùng kỳ, thậm chí cao hơn, tạo nên kết quả kinh doanh cả năm dự báo tích cực.
Đặc biệt, khi kinh tế phục hồi có thể làm giảm nợ xấu vì tiền bơm ra và kích thích các doanh nghiệp làm ăn trở lại tốt hơn, khi đó nợ xấu tự nhiên sẽ giảm đi tương tự như giai đoạn năm 2016-2018.
Ngoài ra các ngân hàng được cấp tín dụng cao sẽ hưởng lợi nhất trong nhóm ngân hàng, bởi vì tăng trưởng tín dụng chính là cốt lõi của mọi vấn đề. Khi tăng trưởng tín dụng cao thì họ sẽ tiếp xúc được nhiều khách hàng và bán thêm được nhiều sản phẩm gia tăng khác, bên cạnh việc thu lợi từ cho vay vốn đã tăng trưởng tốt.
Trong số các ngân hàng, chúng tôi đưa ra dự báo như sau: Các ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được tăng trưởng tín dụng rất cao như: VCB, MBB, VPB, HDB. Mặc dù VCB cũng tham gia tái cơ cấu, nhưng họ có quy mô quá lớn nên vẫn sẽ được tăng trưởng cao, tuy nhiên không quá cao như các ngân hàng còn lại.
Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng nhiều như TCB, ACB, OCB và MSB.
Vẫn có xác suất NHNN sẽ tiếp tục cấp thêm “room” tín dụng một đợt nữa cho một số ngân hàng hoạt động tốt vào cuối năm 2023 nếu cần thiết.
Thứ hai, là ngành chứng khoán, cung tiền và tín dụng tăng giúp thị trường chứng khoán thanh khoản cao hơn, các CTCK hưởng lợi từ phí môi giới và cho vay margin cao. Có thể kể đến như MBS, VNDS, SSI là những công ty tập trung chủ yếu vào dịch vụ khách hàng, cùng với thị phần tương đối lớn sẽ có sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh tích cực.
Chỉ số chứng khoán cũng được dự báo sẽ tăng, giúp các CTCK tự doanh tốt có thể có hiệu quả cao hơn như FPTS hay SHS. Bên cạnh đó, các CTCK nhỏ có câu chuyện tăng vốn sẽ tích cực hơn như ORS, EVS, BMS, AAS.
Thứ ba, là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng. Đây là ngành được hưởng lợi lớn giai đoạn cuối năm 2023 sau những thông tin liên quan đến tăng trưởng tín dụng nói riêng và sự tích cực của nền kinh tế chung.
Cuối năm 2022 đầu năm 2023, người dân rất hoang mang về triển vọng tương lai, nỗi lo thất nghiệp dẫn đến việc phòng thủ lớn, khi đó chi tiêu tiêu dùng đặc biệt là các hàng hóa xa xỉ bị giảm mạnh, các doanh nghiệp bán lẻ về cơ bản gặp nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cổ phiếu các công ty bán lẻ cũng là nhóm ngành tương đối kém tích cực, nhưng khi kinh tế ổn định trở lại, niềm tin tốt hơn thì người dân sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Cùng với việc giảm thuế VAT 2% từ ngày 1/7 đối với đa phần các mặt hàng sẽ giúp kích thích tiêu dùng mạnh mẽ.
Các cổ phiếu có thể tham khảo như: PNJ – đại diện cho doanh nghiệp vàng bạc trang sức hiện nay vẫn đang ở vùng đáy và chưa có sự phục hồi. Nhưng lĩnh vực bán lẻ hàng xa xỉ sẽ trở lại sau và trở lại tương đối mạnh nếu kinh tế ổn định. Hay cổ phiếu MWG cũng có những điểm sáng sau khó khăn của quý 1, quý 2. Bằng chiến lược cạnh tranh giá hiện nay có nhiều đối thủ đã bỏ cuộc chơi, lợi nhuận của MWG sẽ chưa thể trở lại nhưng thị phần được kỳ vọng sẽ vẫn tăng. Ngoài ra, Bách Hóa Xanh vẫn đang tiến triển ổn định, việc có lãi hay không thì còn phải chờ thêm thời gian để cập nhật.
Cổ phiếu FRT cũng có nhiều điểm sáng, nổi bật là chuỗi dược phẩm Long Châu và đây sẽ là “key” (chìa khóa) chính đánh giá cho FRT. Qua quan sát, FRT đã tăng trưởng khá mạnh nhưng với tầm nhìn xa, cổ phiếu này vẫn có nhiều tiềm năng. Một mã cổ phiếu đáng quan tâm nữa là Mộc Châu Milk (MCM), đây là doanh nghiệp sữa hiếm hoi còn có thể tăng trưởng trong lĩnh vực sữa, khi định giá khá thấp và cổ tức tương đối cao.
Thuận lợi và rủi ro
Chúng tôi nhận thấy, để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng còn có các yếu tố thuận lợi khác, đó là lạm phát thấp, tạo thuận lợi cho chính sách nới lỏng tiền tệ dễ thực hiện hơn.
Nợ công trên GDP chỉ ở mức 40% (mức thấp) và lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam 10 năm chỉ dưới 3%, từ đó còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công mạnh, với lãi suất rất thấp. Ví dụ, nợ công của Việt Nam hiện nay là 160 tỷ USD, nếu trước đây chúng ta phát hành trái phiếu lợi suất thường từ 7-12% sẽ mất khoảng 10,5 – 19 tỷ USD tiền lãi trả mỗi năm. Nhưng với lợi suất dưới 3% sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm khoảng 5-10 tỷ USD tiền lãi trả hàng năm và khoản tiền đó nếu bỏ vào đầu tư công thì sẽ rất tốt.
Giải ngân đầu tư công bắt đầu tích cực, từ tháng 6/2023 khi đạt 65.000 tỷ đồng tương đương 8% tổng kế hoạch, gấp hai lần trung bình các tháng trước đó. Các công trình trọng điểm giải ngân tốt như Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Vành đai 4 Hà Nội; Sân bay Long Thành; Các tuyến đường cao tốc Bắc Nam.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn những yếu tố rủi ro tồn tại trên thị trường chứng khoán đó là chiến tranh Nga – Ukraine còn phức tạp khi Mỹ và phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine, trong khi Nga cũng không chịu chùn bước. Đặc biệt, kinh tế thế giới còn yếu, nhu cầu về hàng hóa của thế giới cũng sẽ chậm lại, trong khi Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Một vấn đề nhận được nhiều quan tâm hiện nay là tình hình trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 9/2023 có thể gây khó khăn nhất định đến thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế. Thêm vào đó, lĩnh vực bất động sản nhìn chung chưa thoát khỏi khó khăn do thu nhập của người dân chưa ổn định, lãi suất cho vay vào bất động sản dự báo sẽ còn cao.