Nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và bài học với Việt Nam
Nguy cơ giảm phát đang đè nặng nền kinh tế Trung Quốc, vừa gây ảnh hưởng tới Việt Nam đồng thời cũng là bài học, nếu chúng ta không tái cấu trúc nền kinh tế một cách tích cực.
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, do đó nguyên liệu đầu vào của chúng ta phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Số liệu của năm 2022 cho thấy, với Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu 17,87 tỷ USD và xuất khẩu 57,7 tỷ USD, còn với Mỹ giá trị nhập khẩu là 14,47 tỷ USD nhưng xuất khẩu lên tới 109,39 tỷ USD.
Việc xuất nhập khẩu tác động đến một yếu tố vô cùng quan trọng đó là tỷ giá. Vào năm 2016, Trung Quốc đã chủ động hoàn toàn trong việc hạ giá đồng Nhân dân tệ và sau đó có tác động rất lớn đến Việt Nam, khiến VND cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng này. Khi tỷ giá “nhảy múa” thì lãi suất sẽ phải bù vào do tỷ giá và lãi suất là hai mặt của vấn đề, lãi suất thay đổi sẽ tác động mạnh mẽ đến các tài sản đầu tư trên thị trường.
Chính vì vậy, kinh tế Trung Quốc trở thành một vấn đề mà Việt Nam cần theo dõi để có cách nhìn hệ thống từ xuất nhập khẩu, đến tỷ giá và lãi suất. Nhìn tổng thể nền kinh tế toàn cầu sẽ thấy, trong khi một số nước vẫn nới rộng chính sách tiền tệ, tài khóa thì một số khác lại thắt chặt.
Thực tế, công cụ quan trọng nhất của một quốc gia là kiểm soát hai yếu tố gồm tăng trưởng GDP và lạm phát. Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đều thấy lãi suất điều hành hạ, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang là 1,75% và chúng ta chuẩn bị công bố GDP quý 2. Tuy nhiên điều quan trọng là lãi suất có thể hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng hay không…
Về phía Trung Quốc, hiện giá sản xuất của nước này đanh giảm mạnh nhất trong 7 năm khi nguy cơ giảm phát đè nặng nền kinh tế. Lạm phát là một vấn đề chúng ta thường xuyên đề cập, nhưng giảm phát cũng nguy hiểm không kém.
Theo đó, người dân có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn, giảm đầu tư và giảm vay mượn để tiêu dùng. Trong khi đối với nền kinh tế hiện đại, muốn tăng cung tiền hay vòng quay của nền kinh tế nhanh thì cần tăng tiêu dùng. Chỉ số này giảm xuống gây hệ luỵ là doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm, người lao động bị giảm lương và thất nghiệp tăng, dẫn đến vấn đề cuối cùng là suy thoái thực sự đến.
Các số liệu tại Trung Quốc chỉ ra, tỷ lệ những người trẻ thất nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã tăng vọt, bắt đầu từ tháng 1/2023 đâu đó khoảng 17,3% đến nay đã tăng lên 20,4%. Người trẻ không tìm được việc làm một phần vì cơ cấu dân số của Trung Quốc gặp vấn đề và họ đang buộc phải thay đổi. Đây cũng là một bài học cho Việt Nam vì chúng ta có sự tương đồng và thường đi sau.
Có thể thấy, sau một thời gian dài phong tỏa vì Covid-19, người dân Trung Quốc đã bị suy yếu và phải cắt giảm chi tiêu khá nhiều, thể hiện qua các chỉ số như nợ ít hơn, niềm tin của người tiêu dùng giảm, dẫn đến các nhà máy trong nước phải giảm giá hàng hóa do nhu cầu yếu.
Trong câu chuyện này, chúng tôi cũng đưa ra hai góc nhìn: Thứ nhất, nếu đứng ở góc độ là các quốc gia phát triển, thì hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, nhập khẩu được hàng hóa rẻ hơn sẽ giúp giảm lạm phát.
Thứ hai, nhìn từ nền kinh tế như Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh vô cùng lớn.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt tính chính sách tiền tệ, xuất khẩu của Trung Quốc giảm và dòng vốn bắt đầu rút ra khỏi những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc,… tất cả tác động này sẽ dẫn đến tổng cầu của Trung Quốc giảm, gây ra giảm phát.
Chúng tôi cho rằng, một số giải pháp để hạn chế tình trạng giảm phát đó là tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ, tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, tăng chi tiêu công và giảm thuế doanh thu.
Nhìn vào bài học đi trước như ở Nhật Bản về thập kỷ mất mát, hay Trung Quốc đang bắt đầu đi vào chu kỳ này, thì Việt Nam cũng có độ trễ đâu đó khoảng 10 năm nếu chúng ta không tái cấu trúc nền kinh tế một cách tích cực.
Hiện nay hoạt động của khối doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp mạnh mẽ mà mới tập trung vào các chính sách tiền tệ và nhiều người cho rằng nó đang phản ánh ngay trên thị trường chứng khoán. Như vậy, chúng ta chỉ đang tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng mạnh chi tiêu công, kết hợp với một chút giảm thuế. Cái cần thực hiện bền vững đó là xây dựng, phát triển cho khu vực tư nhân và khối doanh nghiệp.
Có thể nói, các chính sách tiền tệ – tài khoá nếu không được sử dụng một cách hợp lý, sẽ đẩy nền kinh tế vào một số phân khúc đó là tạo ra “bong bóng” và sẽ có ảnh hưởng rất dài hạn.