Nghị quyết 02/2022: “Lãnh địa” xin-cho của bộ ngành sẽ bị “đụng chạm”
Nghị quyết 02/2022 vừa được ban hành đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá giúp cải thiện hơn nữa chất lượng môi trường kinh doanh.
Đã thành thông lệ, vào đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 02 năm 2022 tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phát huy xu hướng cải cách môi trường kinh doanh từ những năm trước.
Theo đó, Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của Chính phủ đã yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cùng với đó, Nghị quyết yêu cầu phải tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
Trong năm 2021, cả nước có gần 117.000 doanh nghiệp ra đời, giảm 13,4% so với năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Trong khi đó, có tới gần 120.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 17,8% so với năm 2020. Vì thế, theo các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 02 năm 2022 đặt ra yêu cầu tăng và giảm những tỷ lệ nêu trên là rất cần thiết, góp phần giúp nền kinh tế khối phục.
Với Nghị quyết 02 năm nay, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết Nghị quyết này đã chạm vào “lãnh địa” xin – cho của nhiều bộ, ngành.
Điều này, theo ông Cung được thể hiện rõ khi phân tích các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 02/2022/NQ-CP.
Đó là, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát…
Những việc này không thể thực hiện độc lập ở một bộ, ngành nào. Ông Cung lấy ví dụ, việc rà soát sẽ không phải chỉ đề cắt giảm, đơn giản những quy định hiện hành, mà cần đánh giá, cân nhắc xem cùng một vấn đề, các quy định liên quan đang như thế nào, được thực thi ra sao, có thể đưa về một luật điều chỉnh hay không; việc tuân thủ ở các luật khác nhau có tương đồng không…
“Những cân nhắc này còn phải tính tới yêu cầu của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội 2022 – 2023. Để triển khai hiệu quả, tôi cho rằng cần có tổ công tác của Chính phủ, với thẩm quyền để làm việc trực tiếp, thúc đẩy với các bộ, ngành liên tục. Vì nghị quyết này chỉ thực sự thành công khi luôn… sống”, ông Cung khuyến nghị.
Cùng với đó, ông Cung cho rằng thời điểm này, việc thực thi các nhiệm vụ của Nghị quyết 02/2022/NQ – CP cũng cần có áp lực trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn