Nghệ An: Báo động sạt lở đôi bờ sông Lam

Người dân bức xúc khi hoạt động khai thác cát trên sông Lam gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của họ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại lý giải rằng… do mưa lũ?

Nghệ An: Báo động sạt lở đôi bờ sông Lam

Nhiều ha đất khu vực bãi bồi ven sông Lam bị sụt lún, xói lở nghiêm trọng

Theo ghi nhận thực tế của PV trong những ngày gần đây, tại khu vực dòng sông Lam đoạn qua xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn giáp ranh với xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có nhiều thuyền khai thác cát đang làm việc hết công suất, còn trên bờ thì xuất hiện tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng. Những bãi bồi ven sông – nơi người dân canh tác hoa màu và trồng cây keo từ nhiều năm nay đã bị sụt lún, xói lở; gây thiệt hại nặng nề.

Sạt lở nghiêm trọng

Qua quan sát của chúng tôi, bãi bồi thuộc xã Long Xá có diện tích rất rộng, từ bờ sông Lam đến đê Tả Lam đoạn Trạm bơm Hưng Xá có khoảng cách hơn 2km. Còn chiều dài của bãi bồi này thì kéo dài từ chân cầu Yên Xuân xuống tận khu vực bãi bồi giáp với xã Trung Phúc Cường. Tuy nhiên, thời gian qua, số diện tích đất bãi bồi bị sạt lở đã lên đến nhiều ha. Chứng kiến cảnh tượng bờ sông nham nhở những vết xói lở và chưa có dấu hiệu dừng lại đã khiến nhóm PV chúng tôi không khỏi xót xa, lo lắng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng – một người dân ở xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên bức xúc cho biết: Trước đây, khu vực này có bãi bồi ở tận cách vị trí mép sông hiện tại khoảng vài chục mét. Thế nhưng, từ khoảng 2 đến 3 năm độ lại đây thì hiện tượng sạt lở bờ sông mỗi năm một gia tăng nên nhiều ha đất ở địa phương đã bị sông Lam “nuốt chửng”.

Nghệ An: Báo động sạt lở đôi bờ sông Lam

Những tàu, thuyền khai thác cát gần đó vẫn đang “rút ruột” dòng sông Lam

Một người dân khác đứng cạnh bên ông Thắng thì hướng mắt về những chiếc thuyền đang khai thác cát trên sông Lam mà lắc đầu ngao ngán nói: “Sông ngòi xưa nay bên lở bên bồi là chuyện bình thường. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là dưới sông người ta hút cát như thế thì nguyên nhân “cộng hưởng” để sạt lở bờ sông thêm phần nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi”.

Theo tìm hiểu của PV, được biết, kể từ khi cầu Yên Xuân hoàn thành năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phải 2 lần di chuyển biển báo khoảng cách, diện tích bị sạt lở cũng vào sâu hàng chục m và dài nhiều km. Đây là khu vực đất sản xuất thuộc xứ đồng Soi Huyện, gần như tập trung toàn bộ đất sản xuất ngô vụ đông và lạc xuân cũng như các loại rau màu của xã Long Xá.

Ngoài việc ảnh hưởng đến đất trồng rau màu, có một số trang trại, mô hình sản xuất rau sạch, sâm Nhật Bản tại khu vực này cũng đang ngấp nghé bị sạt lở. Tình trạng sạt lở liên tục xảy ra khiến cho người dân rất hoang mang, lo lắng.

Nghệ An: Báo động sạt lở đôi bờ sông Lam

Tình trạng sạt lở rất đáng báo động khi ngày càng nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại

Không chỉ riêng xã Long Xá (Hưng Nguyên), tình trạng sạt lở ở khu vực bãi bồi ven sông Lam thuộc địa phận xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) còn diễn ra nghiêm trọng hơn.

Ghi nhận thực tế của PV vào trưa ngày 10/10/2023, vườn keo 5 năm tuổi rộng hàng chục ha của người dân được trồng trên bãi bồi này đang bị sông Lam “nuốt chửng” từng mảng. Hàng trăm cây keo đã lớn bằng đùi người bị nước cuốn trôi trôi ra ngoài sông, một số bị gãy đổ do diện tích đất bị sạt lở nằm ngổn ngang trên mặt nước chờ sóng cuốn đi. Qua quan sát, khu vực này có nơi bị nước sông “ăn mòn”, lấn sâu vào vườn keo hàng chục mét và còn có dấu hiệu sạt lở vào sâu thêm.

Trao đổi với PV, anh Kỳ – chủ rừng keo nói trên cho biết: “Vườn keo nhà tôi trồng đã gần 5 năm tuổi. Sạt lở diễn ra từ năm ngoái và ngày càng nghiêm trọng. Tôi có kiến nghị với phía doanh nghiệp khai thác cát ở khúc sông này để nghị họ hỗ trợ cây cối, hoa màu trên đất bị sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ”.

Chính quyền xã nói gì?

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên cho biết: Tình hình sạt lở, mất đất sản xuất ven sông Lam diễn ra đã nhiều năm nay, sau đợt mưa lũ vào tháng 10/2022 và tháng 9/2023 vừa qua thì tình trạng sạt lở lại càng nghiêm trọng hơn. Địa phương đã 2 lần phải di chuyển biển báo khoảng cách an toàn.

“Chúng tôi cũng mới có báo cáo số liệu cụ thể với phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cũng như kiến nghị cấp trên giải pháp để khắc phục nhưng xem ra chỉ có đầu tư xây dựng kè thì mới có thể chống chọi với sạt lở như đã và đang xảy ra”, bà Tuyết nói thêm.

Tài liệu điều tra của Đoàn quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến thời điểm năm 2019 đã xẩy ra sạt lở bờ sông Cả tại 153 vị trí trên địa bàn 68 phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò với tổng chiều dài là 186,489 km. Đã xói lở mất 561 ha đất, ảnh hưởng 249 ngôi nhà của dân, làm hư hỏng 134 công trình hạ tầng.

Còn ông Nguyễn An Toàn – Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn thì cho biết: “Diện tích đất mà người dân đang trồng keo bị sạt lở nằm trên địa phận quản lý của xã chúng tôi, giáp với xã Long Xá. Theo phản ánh thì sau đợt lũ vừa qua bị sạt lở nhiều nên xã đang chỉ đạo cán bộ kiểm tra, thống kê”.

“Ngoài sông Lam gần đó, hiện đang có mỏ khai thác cát của Công ty MCK hoạt động để lấy nguyên liệu phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam”, Chủ tịch xã Trung Phúc Cường nói.

Cũng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt lở bờ sông Lam trên đoạn Nghệ An. Thứ nhất, nhóm nguyên nhân do yếu tố địa hình, địa chất gồm các yếu tố vật liệu bờ, hình thái bờ có tác động lớn đến sự xói mòn đất và sạt lở của bờ sông Lam.

Thứ hai, nhóm nguyên nhân do các yếu tố khí tượng thủy văn. Nhóm này tác động đến lưu lượng và lưu tốc dòng chảy, tạo sự sai khác về hướng chảy sau hợp lưu, tạo xoáy ngầm và hiện tượng hàm ếch.

Nghệ An: Báo động sạt lở đôi bờ sông Lam

Nghệ An: Báo động sạt lở đôi bờ sông Lam

Sạt lở đã gây thiệt hại nặng nề cho chủ rừng keo

Thứ ba là nhóm nguyên nhân do tác động của con người. Thông qua việc đào bới, san lấp để xây dựng các công trình như xây nhà ở, làm đường giao thông, khai thác cát sỏi, xây dựng các thủy điện, khai thác rừng đầu nguồn đến cạn kiệt…

Đáng lưu ý, trong số 3 nhóm nguyên nhân nói trên, thì nhóm thứ 3 có tác động tiêu cực lớn nhất. Nó vừa tác động trực tiếp lên bờ sông, vừa tác động gián tiếp lên các yếu tố thuộc hai nhóm kia một cách hữu hình hoặc vô hình; làm thay đổi quy luật dòng chảy và sức công phá của lũ.

Liên quan đến vấn đề sạt lở bờ sông, một chuyên gia về ngành nông nghiệp, thủy lợi nêu ý kiến: Thực trạng khai thác rừng ồ ạt, thiếu khoa học, phá rừng đầu nguồn để làm nương rẫy đến cạn kiệt trong mấy thập kỷ trước đã làm gia tăng biến đổi khí hậu, tăng mức xói mòn, rửa trôi đất, gây hiện tượng bồi lấp cục bộ, phân dòng cực đoan. Một số công trình xây dựng tự phát ven bờ vô tình tạo “bức kè” chỉnh trị dòng chảy không hợp lý, gây thiệt hại khi lũ lớn.

“Đặc biệt là tình trạng khai thác cát sỏi trái phép hoặc khai thác sai vị trí, sai thiết kế ở một số nơi gây sụt lún, sạt lở bờ sông Lam”, vị chuyên gia này nói thêm.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button