Ngân hàng “thúc” khách dùng ứng dụng?
Sau đợt năm trước, năm nay các ngân hàng lại tiếp tục tăng phí dịch vụ SMS Banking. Phí càng tăng, người dùng càng có xu hướng bỏ tin nhắn chuyển sang dùng ứng dụng, điều mà ngân hàng đang mong đợi.
Tháng 2/2022, các ngân hàng thi nhau thông báo tăng giá dịch vụ SMS Banking, có nơi tăng 5 – 7 lần khiến nhiều người dùng “khóc thét”. Kể từ đó, các ngân hàng và nhà mạng thống nhất áp dụng mức phí SMS Bank (gồm biến động số dư và mã OTP) là 11.000đ/tháng, không giới hạn số lượng tin nhắn.
Tuy nhiên đến năm nay, ngân hàng lại tiếp tục tăng phí SMS Banking, dù lần này không rầm rộ như năm trước.
Chẳng hạn với Techcombank, biểu phí SMS Banking dao động từ 12.000đ/tháng đến tận 75.000đ/tháng, tùy thuộc vào số lượng tin nhắn. Hoặc Eximbank thông báo kể từ ngày 1/4 sẽ điều chỉnh mức phí, ngoài phí cố định 15.000đ/tháng sẽ thu thêm 55.000đ/tháng nếu tài khoản có số lượng tin nhắn SMS Banking mỗi tháng từ 50 trở lên.
VIB và SeABank đều đang áp dụng mức phí 33.000đ/tháng đối với khách hàng thường. Hoặc Sacombank ngoài phí SMS Banking 16.500đ/tháng còn thu thêm 11.000đ/tháng phí xác thực OTP qua tin nhắn.
Cũng như năm trước, việc SMS Banking tăng phí sẽ kéo theo xu hướng khách hàng bỏ dịch vụ này, chuyển sang sử dụng ứng dụng (app) để nhận các thông báo từ ngân hàng. Và một lần nữa, xu hướng này là điều mà các ngân hàng đang mong đợi, vì họ chính là bên có lợi.
Hiện nay, ngân hàng nào cũng phát triển app của riêng mình. Đã làm app thì phải có người dùng. Tuy nhiên việc lôi kéo người dùng luôn là bài toán khó trong quá trình xây dựng bất kỳ app nào, không chỉ riêng app ngân hàng. Thế là trong bối cảnh người người rủ nhau bỏ SMS Banking, thì app chính là nơi khả thi nhất để khách hàng theo dõi tình trạng biến động số dư và nhận mã OTP.
Bên cạnh đó, dù SMS Banking là một dịch vụ của ngân hàng, thế nhưng về bản chất, ngân hàng chỉ là bên thu hộ cho nhà mạng. Ngày xưa khách hàng ít giao dịch trực tuyến thì số lượng tin nhắn không nhiều. Bây giờ giao dịch trực tuyến lên ngôi, số lượng tin nhắn tăng lên, nếu không tăng biểu phí thì ngân hàng sẽ lỗ. Trong khi đó phí tăng, khách bỏ SMS Banking thì ngân hàng cũng chẳng tổn thất gì nhiều.
Không chỉ vậy, khách hàng càng bỏ SMS Banking và chuyển sang dùng app thì ngân hàng càng củng cố thêm quyền tự quyết các dịch vụ đối với khách hàng, không bị phụ thuộc vào nhà mạng.
Do đó, ưu tiên của ngân hàng hiện nay là hướng khách hàng sử dụng app của mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong những lời trao đổi của các đại diện ngân hàng khi được hỏi về lý do tăng cước phí SMS Banking. Chẳng hạn Techcombank bày tỏ rằng ngân hàng luôn hướng khách hàng sang sử dụng app để được nhận thông báo miễn phí. Hoặc SeABank ngoài nêu lý do nhà mạng tăng giá cước, thì cũng không quên khuyến khích khách hàng đăng ký nhận thông báo miễn phí qua app.
Trên thực tế, trong thời đại phát triển công nghệ thoại, tin nhắn trên nền internet (OTT), thì việc bỏ mạng điện thoại để dùng OTT là xu thế không thể tránh khỏi, giống như tình trạng người dùng gọi điện bằng ứng dụng internet ngày càng nhiều hơn gọi điện thoại. Do đó chắc chắn nhà mạng sẽ ngày càng mất khách.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng việc các ngân hàng tăng phí SMS Banking sẽ càng đẩy nhanh tiến trình bỏ tin nhắn điện thoại, chuyển sang dùng app. Một số người đặt câu hỏi, phải chăng những động thái tăng phí gần đây của ngân hàng chính là chiến lược để “thúc” khách hàng nhanh chuyển sang ứng dụng?