Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?

Sau khi Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt Nga bằng cách ngẳt hệ thống tài chính nước này trong thanh toán quốc tế (SWIFT), đã xuất hiện lo ngại điều này có tác động tới hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?
Phương Tây đã đạt nhất trí ngắt kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga như một đòn trừng phạt bằng “vũ khí hạt nhân”

Theo NHNN, ngay từ khi triển khai nghiệp vụ thanh toán quốc tế (TTQT), các NHTM Việt Nam luôn xác định công nghệ là chìa khóa để mở cánh cửa hoạt động TTQT. Hầu hết các NHTM Việt Nam đều là thành viên của SWIFT và chủ yếu sử dụng công nghệ này trong dịch vụ TTQT. Tất cả các giao dịch TTQT đều được ngân hàng thực hiện bằng cách gửi điện qua hệ thống SWIFT. Ngoài ra, mỗi ngân hàng còn thiết kế những chương trình công nghệ riêng nhằm hiện đại hóa quá trình quản lý và vận hành mô hình hoạt động TTQT.

Cho đến thời điểm này, các giao dịch TTQT tại Việt Nam hiện được chủ yếu xử lý qua Dịch vụ SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.

Theo số liệu tính đến cuối năm 2019, Việt Nam đứng thứ 15 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 54 các nước sử dụng SWIFT trên thế giới tính theo lưu lượng điện. Và tính đến hết tháng 6/2019, tổng số lưu lượng điện đạt 8,34 triệu, trong đó số điện gửi là 4,24 triệu (tăng 14,3% so với cùng kỳ 2018); Điện nhận là gần 4,1 triệu (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018). Các tổ chức tín dụng, ngân hàng đang sử dụng SWIFT là phương tiện thanh toán chủ yếu trong dịch vụ TTQT.

Như vậy cho đến thời điểm này dịch vụ TTQT với các ngân hàng các quốc gia trên thế giới (trừ Nga) vẫn không ảnh hưởng. Hiện nay tại Việt Nam có ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh TTQT giữa 02 nước trong nhiều năm qua.

Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?
Giao dịch tại Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga

Theo VRB, dịch vụ thanh toán song phương Việt – Nga của VRB do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) chủ trì, kết nối thanh toán trực tiếp đến tất cả các ngân hàng Nga. Đây hầu hết là những ngân hàng lớn trên lãnh thổ Nga như VTB, Sberbank… Ngân hàng này ra đời trên cơ sở hợp tác liên kết giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB), xuất phát từ ý tưởng thành lập một ngân hàng liên doanh giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước. Với khách hàng doanh nghiệp, VRB đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm hỗ trợ phát triển kinh doanh, tăng cường giao thương, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế…

Năm 2016, VRB triển khai kênh thanh toán song phương Việt – Nga bằng đồng nội tệ, tạo nên dấu mốc trong phát triển dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Điều này tạo thế mạnh cho VRB trong phục vụ hoạt động thanh toán, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nga.

Với tình hình chiến sự tại Ukraine, khi Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT, các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế từ Việt Nam sang Nga sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phía VRB cho biết, vẫn có các kênh truyền thống khác thay thế như thư tín, telex, dù rằng những kênh này không ưu việt như qua hệ thống SWIFT toàn cầu…

Theo các chuyên gia công nghệ , như vậy, trước mắt các hoạt động TTQT tại VRB có khả năng gián đoạn do ngắt mạch SWIFT.  Thực tế, trong hoạt động TTQT của các ngân hàng thương mại, các phương tiện truyền tin chủ yếu được sử dụng gồm: Thư tín, telex và SWIFT. Thư tín là phương tiện truyền tin từ khi mới hình thành nghiệp vụ TTQT. Đến nay, phương tiện này vẫn còn đang được sử dụng nhưng không phổ biến.

Ở Việt Nam, một số ngân hàng vẫn sử dụng phương tiện này trong những trường hợp đặc biệt như: Không sử dụng Telex hoặc chưa được phép tham gia hệ thống SWIFT… Hiện nay các ngân hàng ít sử dụng phương tiện này trong TTQT mà chỉ sử dụng như 1 phương tiện thay thế trong trường hợp trục trặc về đường truyền cáp quang. Trong khi đó, truyền thông tin qua SWIFT rất hiệu quả. Đây là phương tiện đang được sử dụng phổ biến tiên tiến trên thế giới và Việt Nam.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button