Năm 2023, cần hoá giải nhiều rào cản để kinh tế Việt Nam “bứt tốc”
Đó là nhận định của ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Họp mặt Hội viên VCCI đầu năm 2023.
Tăng trưởng đáng tự hào
Đánh giá về những kết quả về phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, do Việt Nam mở cửa sớm từ tháng 3/2022 sau dịch COVID-19, nên các hoạt động kinh tế dần phục hồi và phát triển, đến năm 2022, với GDP tăng 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Tuy tăng trưởng trên một nền thấp của năm 2021 (2,58%), nhưng ông Thành đánh giá đây cũng là một sự tăng trưởng rất đáng tự hào khi so sánh với nhiều nước trên thế giới. Bởi trong năm 2022, kinh tế của nhiều nước trên thế giới có nhiều bất ổn do tác động từ chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao và nhu cầu tiêu dùng giảm…
Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Việt Nam là một nước có độ mở của nền kinh tế rất lớn. Ông dẫn chứng, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 732,5 tỷ USD, tương đương 200% GDP của Việt Nam. Do đó, khi kinh tế thế giới suy giảm và khó khăn, chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam.
“Nhưng rất mừng là năm ngoái, chúng ta đã thực hiện tốt chính sách mở cửa. Vì vậy mà GDP đã đạt đến mức cao nhất trong các nước Châu Á Thái Bình Dương. Xuất nhập khẩu cũng đạt được mức tăng cao nhất từ trước đến nay với 732,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng gần 372 tỷ USD, mức độ tăng trưởng là 10,6% và nhập khẩu cũng đạt khoảng 360 tỷ USD. Đó là một điểm sáng rất ấn tượng”, ông Thành đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước kiềm chế tốt lạm phát. Năm 2022, lạm phát của Việt Nam giữ ở mức 3,15%, thấp hơn mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra là khoảng 4%. Trong khi, lạm phát tại các nước trên thế giới là rất cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… lạm phát từ 8-10% và trên 10%. Ngoài ra, thu ngân sách của Việt Nam năm 2022 cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 1,8 triệu tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, trong năm 2022, chỉ có một chỉ tiêu không đạt, đó là chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,5 triệu lượt khách, trong khi mục tiêu là đón 5 triệu lượt khách. Nguyên nhân là do các nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… thì vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, họ chưa mở cửa. Do đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không đạt chỉ tiêu đề ra.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, từ quý IV/2022 đã bắt đầu xuất hiện những thay đổi, khó khăn, khi kinh tế thế giới tiếp tục bị suy thoái. Một số nước đã có dấu hiệu suy thoái và nhu cầu tiêu dùng giảm, lạm phát vẫn ở mức cao. Vì vậy, lượng đơn hàng đặt cho các doanh nghiệp Việt Nam ở một số ngành như ngành may mặc, da giày, đồ gỗ, ngay cả hàng điện tử cũng đã giảm, thậm chí giảm 45%. Đến quý I năm nay, tình hình vẫn chưa được sáng sủa. Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu của 2 tháng đầu năm nay đã giảm 10,4%.
“Tình hình sắp tới đây, chúng ta chứng kiến thế giới cũng đang còn gặp nhiều khó khăn về lạm phát. Tuy mức độ lạm phát đã được kiểm chế một phần, nhưng hiện vẫn còn rất cao. Bên cạnh đó, tình hình tồn kho của các nước vẫn còn rất lớn. Vì vậy, nhu cầu về đặt hàng đối với các doanh nghiệp của chúng ta vẫn sẽ chưa cao”, ông Thành nhận định.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là vấn đề kiềm chế lạm phát. Nếu như năm 2022, chúng ta giữ được lạm phát ở mức 3,15%, thì năm nay mới 2 tháng đầu năm, lạm phát đã ở mức 4,6%. Mặc dù, 2 tháng đầu năm là những tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ đẩy giá lên cao. Nhưng xu hướng năm nay, lạm phát sẽ cao hơn năm ngoái và chúng ta có thể giữ được mức mục tiêu là từ 4 – 4,5% là một cố gắng lớn.
Vấn đề thứ ba nữa là trong hai tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài nếu như tính về vốn đăng ký thì tăng so với cùng kỳ của năm 2022, tăng 2,8 lần. Tuy nhiên, vốn thực hiện và giải ngân thì lại giảm. Ngoài ra, chỉ số công nghiệp 2 tháng đầu năm nay cũng giảm trên 6%.
“Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến khoảng 1,7%. Kinh tế toàn cầu giảm thì chắc chắn là Việt Nam với độ mở lớn của nền kinh tế như thế này thì sẽ sẽ ảnh hưởng. Do đó, việc phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định.
Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng, kinh tế của năm 2023 không phải chỉ toàn màu xám, mà cũng có những khởi sắc. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, ngành Du lịch đã khởi sắc trở lại. Theo thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 36 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, đầu tư công năm nay cũng đã có nhiều chuyển biến. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã khởi công hàng loạt dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường cao tốc, đây là một trong những động lực để phát triển kinh tế.
“Do đó, cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa về giải ngân vốn đầu tư công. Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt, nếu địa phương nào, ngành nào, không giải ngân đầu tư công tốt, thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ thêm.
Nguôn: diendandoanhnghiep.vn