Máy bán hàng tự động có “thay” được gánh hàng rong?

Việc Hà Nội dự kiến sẽ lắp đặt mạng lưới máy bán hàng tự động ở các địa điểm công cộng từ nay tới năm 2025 để thay thế hàng rong đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận.

Máy bán hàng tự động có “thay” được gánh hàng rong?
Hà Nội dự kiến sẽ lắp đặt mạng lưới máy bán hàng tự động ở các địa điểm công cộng từ nay tới năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký, ban hành kế hoạch triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Theo kế hoạch, máy bán hàng tự động sẽ được lắp đặt tại các địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, nhà ga, ga đường sắt đô thị, nhà chờ khách, bến xe, trạm xe buýt, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí công cộng… và các địa điểm công cộng khác có tính chất tương tự, phù hợp.

Chính quyền Hà Nội kỳ vọng việc triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng nhằm từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ; dần thay thế cho các hình thức bán rong, bán dạo trên hè phố, hè đô thị. Góp phần đa dạng hóa lựa chọn mua bán phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Máy bán hàng tự động có “thay” được gánh hàng rong?
Hà Nội kỳ vọng máy bán hàng tự động có thể thay thế được gánh hàng rong

Thật ra, máy bán hàng tự động đã có từ lâu trên thế giới. Horh&Hardart được mở cửa vào năm 1902 và hoạt động cho đến tận năm 1962. Vào đầu những năm 1920, chiếc máy bán hàng tự động lần đầu tiên bán soda vào cốc. Đến năm 1926, một nhà phát minh người Mỹ tên là William Rowe đã phát minh ra một chiếc máy bán thuốc lá. Cho đến nay, máy bán hàng tự động đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển rất cao.

Mỗi một loại máy cung cấp một chủng loại hàng hóa khác nhau và hình dáng, kích cỡ của mỗi loại máy phụ thuộc vào loại hàng hóa hay số lượng mà nó có thể cung cấp. Việc thanh toán tại những chiếc máy bán hàng tự động cũng đa dạng hơn. Không chỉ chấp nhận tiền xu, hiện nay ở một số nước tiên tiến, người ta đã phát minh ra cả những chiếc máy có thể nhận biết tiền giấy, thẻ tín dụng v.v..

Mỹ và Nhật là hai quốc gia có thị trường máy bán hàng tự động sôi động nhất. Như vậy, có thể kết luận rằng máy bán hàng tự động đã có một lịch sử lâu đời và ngày càng được hiện đại hóa, mang nhiều tính năng để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

Trởi lại với vấn đề của Hà Nội, đây là cả một vấn đề lớn, nó cần nhiều yếu tố liên quan như vấn đề hạ tầng công cộng, văn hóa…, chứ không phải đơn thuần chỉ là một bản kế hoạch là xong. Nói như vậy bởi vì:

Thị trường máy bán hàng tự động tại Việt Nam gần như là con số 0 với cả nhà cung cấp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp mới chỉ thực sự bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực này trong thời gian gần đây, chủng loại vẫn còn chưa phong phú.

Lý do tiếp theo khiến máy bán hàng tự động hiện nay mới chỉ được một số ít doanh nghiệp để ý tới là việc kinh doanh này đòi hỏi một số vốn tương đối lớn. Giá của một chiếc máy hiện nay các công ty thường nhập về ít nhất cũng phải 1000$, có những chiếc lên tới 4000 – 5000$. Còn những chiếc máy giá rẻ do Trung Quốc sản xuất lại không được đa số các doanh nghiệp ưa chuộng.

Một nguyên nhân không thể không nhắc tới đó là vấn đề hạ tầng giao thông công cộng chưa đồng bộ. Ý thức chưa cao của người dân đối với các sản phẩm hàng hóa công cộng. Hiện nay, tuổi thọ của các sản phẩm đặt tại nơi công cộng là rất thấp, tỷ lệ hư hỏng trên 50%.

Ngoài ra, kế hoạch lắp đặt máy bán hàng tự động sẽ “vướng” phải một vấn đề quan trọng đó là tâm lý tiêu dùng, yếu tố văn hóa, mà cụ thể đó là gánh hàng rong.

Dù hàng rong thời nay đã nhiều đổi khác, có thể chạy xe hơi… bán nước dạo, thậm chí có người bảo bán khoai, bán ngô thôi mà thu nhập tiền triệu/ngày, nhưng hàng rong vẫn cứ là hàng rong. Gánh hàng rong không chỉ là những kỷ niệm cay mũi thuở nhỏ, hay dư vị vài món ngon giờ đã không còn, mà nó còn là cái nôi, là miếng cơm nuôi bao người khôn lớn, là cả nét văn hóa đặc trưng của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Từ đây có thể nói, cái mới thay thế cái cũ là quy luật của phát triển và chủ trương của Hà Nội là đúng khi mục đích hướng tới một xã hội văn minh,. Nhưng thay thế ra sao, thời điểm nào là câu chuyện khác. Và hơn cả, cái mới bắt buộc phải tốt hơn cái cũ về mặt thực tiễn.

Trong câu chuyện này, máy bán hàng tự động phải tiện hơn, ngon hơn hàng rong mới mong thắng và chủ trương của thành phố mới thành công trong thực tiễn.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button