Lý do Việt Nam vẫn sẽ là “đại bản doanh” của Samsung?

Mới đây, lãnh đạo gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc đã lên tiếng bác bỏ tin đồn tập đoàn này chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ. Đó chính là sự cam kết lâu dài với Việt Nam…

Không chuyển dây chuyền sản xuất từ Việt Nam sang Ấn Độ

“Thông tin gần đây về việc Samsung chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật. Những sản phẩm được sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và một phần nhỏ xuất khẩu sang các quốc gia châu Phi, còn tại Việt Nam thì xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới”, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định.

Lý do Việt Nam vẫn sẽ là “đại bản doanh” của Samsung?

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung tại Việt Nam.

Ông cũng cho biết thêm: “Như vậy, sản lượng của nhà máy Samsung tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sản lượng ở Ấn Độ”.

Ngoài ra, gần đây nhất Samsung đã tăng vốn thêm 1.187 triệu USD vào Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn tại Thái Nguyên lên hơn 7,5 tỷ USD.

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Samsung tại tỉnh Thái Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì sản xuất ổn định hoặc tăng trưởng cao hơn so với năm 2022 và nghiên cứu tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11 năm 2023.

Còn lý do nào khác?

Có thể nói, khi ngành sản xuất toàn cầu trải qua sự đa dạng hóa hiếm thấy trong những thập kỷ trước, Samsung Electronics đã dẫn đầu làn sóng di dời. Theo một nghiên cứu của DIGITIMES Research cho thấy, khoản đầu tư đáng kể của Samsung vào Việt Nam đã tạo ra mối quan hệ qua lại giữa công ty và chính quyền địa phương, thể hiện sự khác biệt lớn trong đầu tư của Samsung tại Việt Nam và Ấn Độ.

Lý do Việt Nam vẫn sẽ là “đại bản doanh” của Samsung?

Về cơ bản, Samsung có sự tương tác với Việt Nam tốt hơn Ấn Độ.

Theo ông Yen Chou, nhà phân tích và quản lý dự án tại DIGITIMES Research, các nhà cung cấp Hàn Quốc đã đến Việt Nam ít nhất một thập kỷ trước, với những khoản đầu tư lớn bắt đầu từ năm 2016, khi Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, làm dấy lên tranh cãi gay gắt từ Bắc Kinh.

Nhà sản xuất Hàn Quốc đã quyết định đầu tư vào Việt Nam, nơi gần hơn về mặt địa lý với các nhà cung cấp linh kiện điện tử chính của Trung Quốc. Đầu tư lớn kéo theo đầu tư nhiều hơn, dẫn đến chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc ở Việt Nam tương đối hoàn thiện và tích hợp hơn so với ở Ấn Độ đối với các công ty có trụ sở tại Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất bộ nhớ có trụ sở tại Hàn Quốc, chẳng hạn như Hanyang Digitech và Hana Micro Vina, lắp ráp các mô-đun bộ nhớ tại Việt Nam trước khi vận chuyển chúng đến các khách hàng chính của họ như SK Hynix và Samsung. Ngoài ra, cơ sở sản xuất FC-BGA của Samsung Electro-Mechanics dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 7 năm 2023, tăng cường hơn nữa sự hội nhập theo chiều dọc của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam.

Bên cạnh việc tích hợp theo chiều dọc nhiều hơn, hiệu ứng tập hợp của các nhà cung cấp của Samsung tại Việt Nam rõ ràng hơn ở Ấn Độ, do các nhà cung cấp của Samsung gần nhau về mặt địa lý ở Việt Nam.

Cũng theo ông Chou, mặc dù Samsung đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Ấn Độ, nhưng mức độ tương tác vẫn thấp hơn so với Việt Nam, trong đó ông Lee Jae-Yong, Chủ tịch điều hành của Samsung Electronics, thường xuyên đến thăm Việt Nam và gặp gỡ các quan chức cấp cao của Việt Nam.

Lý do Việt Nam vẫn sẽ là “đại bản doanh” của Samsung?

Ông Lee Jae-Yong, Chủ tịch điều hành của Samsung Electronics, thường xuyên đến thăm Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương Việt Nam sẵn sàng chia sẻ tin tức liên quan đến Samsung trên các trang web chính thức của họ do sự đóng góp đáng kể của Samsung cho nền kinh tế địa phương, có thể là xuất khẩu hoặc tạo việc làm.

Mặt khác, Samsung định kỳ công bố thông tin công bố tiến độ nội địa hóa chuỗi cung ứng trên website tiếng Việt, bao gồm số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2, điều mà Samsung không thực hiện tại Ấn Độ. Đây là những lý do chính khiến gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc coi Việt Nam là “đại bản doanh” của họ trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, vẫn đang có những thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Samsung. Hầu hết các nhà cung cấp tại Việt Nam hợp tác với Samsung đều tham gia vào các giải pháp vật liệu, sản phẩm nhựa hoặc bao bì cấp thấp. Rõ ràng Việt Nam đang không có những gã khổng lồ EMS địa phương nào có ảnh hưởng như ở Ấn Độ, chẳng hạn như Dixon Technology, để Samsung có thể thuê ngoài một phần quá trình sản xuất sản phẩm của mình.

Theo chuyên gia của DIGITIMES Research, Ấn Độ vẫn sẽ đóng vai trò lớn hơn trong trung và dài hạn, ít nhất là đối với lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Lộ trình của Samsung có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu toàn cầu về thiết bị cầm tay.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button