“Luật hóa” việc điều tiết thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng cho biết, tại dự án sửa Luật Kinh doanh bất động sản lần này sẽ bổ sung điểm mới về điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh.
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, so với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành ít vướng mắc hơn.
Tại lần sửa đổi này, luật chủ yếu làm rõ hơn một số nội dung liên đến sàn giao dịch bất động sản, quy định giao dịch sản phẩm qua sàn, các loại hình bất động sản mới… Đáng chú ý là điểm mới về điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định lạnh mạnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, qua diễn biến thị trường đã chứng kiến nhiều lần tăng trưởng nóng như hồi đầu năm 2021, hay sự trầm lắng sau các cơn sốt đất qua đi. Thực trạng này đòi hỏi một chính sách, công cụ điều tiết để giúp thị trường phát triển bền vững. Các nhóm chính sách để điều tiết được lãnh đạo Bộ Xây dựng chỉ ra như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính… hoặc thu hút đầu tư.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, hiện quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản cũng là một trong những nhóm chính sách thu hút sự quan tâm; trong đó có việc làm rõ trách nhiệm quyền hạn của các địa phương.
“Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được sửa đổi trên tinh thần giải quyết được bất cập từ thực tiễn gây kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội; loại bỏ chồng chéo trong thực thi pháp luật, thủ tục hành chính; phân cấp phân quyền cho các địa phương…” – Thứ trưởng Sinh cho biết.
Trên thực tế, giai đoạn đầu năm 2021 – 2022, thị trường bất động sản đã chứng kiến những cơn sốt đất “quay cuồng” khắp các địa phương, từ miền xuôi đến miền ngược.
Không đợi đến khi có thông tin chính thức về các dự án xây dựng hạ tầng mà ngay lúc mới chỉ là thông tin, thậm chí chỉ là đề xuất của một cơ quan tham mưu, hay ý kiến của một cá nhân trong hội nghị, hội thảo nào đó, nhiều người đã lợi dụng để tung tin, đẩy giá bất động sản nhằm trục lợi. Không ít đối tượng dùng chiêu trò để tạo sóng, thu lợi rồi rút, để lại hậu quả nhiều mặt.
Đối diện với các cơn sốt đất, cơ quan chức năng địa phương, Bộ ngành trung ương đến Chính phủ cũng đều đưa ra các giải pháp nhằm “dẹp” cơn sốt đất. Những giải pháp cơ bản được đưa ra đó là cảnh báo, công khai quy hoạch, tạm dừng phân lô tách thửa… Không thể phủ nhận các biện pháp trên ít nhiều có tác dụng để cơn sốt đất dịu xuống.
Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh những phương pháp này chỉ mang tính nhất thời chứ không giải quyết được tận gốc và các cơn sốt ảo có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Minh chứng là trường hợp của Phú Quốc khi đối diện với cơn sốt “đất đặc khu”. Tình trạng phân lô bán nền tràn lan cả đất rừng, đất nông nghiệp thời điểm 2017 – 2018, ngày 15/5/2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã buộc phải ban hành công văn cấm phân lô, tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện đảo Phú Quốc.
Những tưởng cấm phân lô bán nền 2 năm, thị trường địa ốc nơi đây đã ổn định thì chỉ 3 tháng sau khi dỡ lệnh cấm phân lô bán nền, tình trạng trên đã quay trở lại và diễn biến phức tạp hơn.
Trao đổi với DĐDN, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm tối đa về việc quản lý các dự án phân lô, bán nền, song song với đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, cần ban hành một quy định chung về việc đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì, còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp