Logistics cho nông sản ĐBSCL: Cần cơ chế ưu đãi cho Trung tâm logistics vùng
Doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế ưu đãi cho “bốn nhà” trong chuỗi liên kết để thu hút nguồn lực xã hội phát triển các trung tâm logistics cho nông sản ĐBSCL.
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics) cho biết, dù là “vựa nông sản” của cả nước nhưng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại là khu vực chi phí logistics cao nhất, mâu thuẫn với đóng góp về hàng hoá của vùng. Thống kê nông sản khu vực này đang bị “đè nặng” bởi chi phí logistics chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với nông sản của các nước khác.
Trung tâm Hạnh Nguyên Logistics dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
-Căn nguyên dẫn tới chi phí logistics cho nông sản tại vùng ĐBSCL cao là do đâu, thưa ông?
Căn nguyên của tình trạng này là do hệ thống hạ tầng cho logistics cho “vựa nông sản” lớn nhất cả nước này còn thiếu hụt, thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Vận chuyển hàng hoá chủ yếu bằng đường bộ và thuỷ nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…
Bên cạnh đó, Vùng ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn…
Nông sản được sơ chế và đóng gói tại trung tâm Hạnh Nguyên Logistics.
Bước vào ngành nông nghiệp và chế biến nông sản đã hơn 10 năm. Chúng tôi xuất khẩu nông sản chủ yếu đi các thị trường Mỹ, Úc, Canada, châu Âu nhưng tôi nhận thấy để nông sản cho bằng sông cửu long có thế mạnh so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines chúng ta cần có những trung tâm logistics của vùng. Bởi hiện nay ngoài chi phí sản xuất còn có chi phí chiếm tỷ lệ rất lớn đó là chi phí logictics, chiếm khoảng 30 % giá thành nông sản Việt Nam.
Do đó, Trung tâm này được thành lập kỳ vọng giảm chi phí logictics từ 30% xuống còn 15%, là trung tâm “một điểm đến đa dịch vụ” giúp người nông dân chỉ cần chở hàng tới trung tâm này là có thể xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài giúp cắt giảm chi phí logistics.
Hàng hoá được vận chuyển vào các kho mát.
-Ông có thể cụ thể hơn về mô hình Trung tâm logistics “một điểm đến đa dịch vụ” mà Hạnh Nguyên Logistics đang triển khai?
Trung tâm logictics nông sản xuất khẩu Hậu Giang – Hạnh Nguyên logistics là điểm đến đa dịch vụ nhằm hỗ trợ ngành nông sản ĐBSCL được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tại trung tâm này có tất cả các dịch vụ từ khi người người nông dân mang nông sản tới, trung tâm sẽ được đưa vào dây chuyền phân loại, đóng gói, sơ chế và bảo quản mát ở nhiệt độ thích hợp, nhằm giữ cho nông sản tăng thời gian bảo quản từ 3-5 ngày lên hai- ba tháng. Sau khi qua kho bảo quản, sản phẩm sẽ xuất khẩu trực tiếp tới cảng và ra nước ngoài.
Được khởi công vào năm 2019 đến năm 2021 chúng tôi đi vào hoạt động giai đoạn một với kho lạnh 15.000 tấn và hệ thống cấp đông nhanh.
Giai đoạn hai khởi công vào tháng 4/2022 bao gồm hệ thống chiếu xạ nhập từ châu Âu , công suất 500 tấn/ một ngày đêm. Dự kiến giai đoạn 2 đi vào hoạt động từ cuối năm 2023
Giai đoạn ba chúng tôi sẽ đầu tư kho robot với sức chứa 50000 tấn và một trung tâm trưng bày sản phẩm gồm nhiều kiốt, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Hệ thống kho mát, kho lạnh tự động của Trung tâm Hạnh Nguyên logistics.
-Tại sao ông lại quyết định đầu tư vào nông nghiệp, sau đó tiếp tục triển khai trung tâm logistics Hạnh Nguyên – mô hình đầu tiên tại Việt Nam?
Như đã nói, tôi có hơn 10 năm trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản. Khi lựa chọn đầu tư vào ngành nông nghiệp tôi nhận thấy đây là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, của ĐBSCL và của chính Hậu Giang. Do đó, tôi quyết định đầu tư ngành mà mình có thế mạnh nhất.
Tuy nhiên sau 10 năm gắn bó với ngành tôi cảm thấy còn chìa khóa quan trọng để nông sản có thể cải thiện sức cạnh tranh đó là logictics cho nông sản, làm sao cho chi phí logistics giảm từ 30 xuống còn 15%. Sản phẩm nông sản nhiệt đới đa dạng và rất ngon, chất lượng hiện cũng đã sánh ngang các nước châu Âu, vấn đề còn lại là marketing thương hiệu và đặc biệt là cắt giảm chi phí logistics, đây là hai yếu quan trọng quyết định tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
-Vậy những trung tâm logistics cho nông sản này giữ vai trò như thế nào đối với sự phát triển ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay?
Để nông sản ĐBSCL phát triển vườn tầm thế giới, cạnh tranh với các nước trong khu vực, bắt buộc phải phát triển các trung tâm logistics ở Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang hay Long An.
Hạnh Nguyên logistics là điểm đến đa dịch vụ nhằm hỗ trợ ngành nông sản ĐBSCL được xuất khẩu chính ngạch.
-Vậy theo ông cần có chính sách thu hút như thế nào để có nhiều hơn các trung tâm logistics như Hạnh Nguyên logistics, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tế mà ông vừa nói?
Để phát triển những Trung tâm như Hạnh Nguyên logistics, bên cạnh ưu đãi của địa phương, Chính phủ cần có những chính sách về hỗ trợ cũng như ưu đãi cho bốn nhà.
Thứ nhất là nhà nông, để kêu gọi người nông dân sau khi thu hoạch gửi hàng tới các trung tâm, cần có chính sách hỗ trợ họ, ví dụ như khi gửi hàng hoá vào Trung tâm để sơ chế, đóng gói, bảo quản sẽ được ưu đãi, hỗ trợ chi phí, cũng như có những lớp đào tạo, huấn luyện vừa Global Gap, Việt Gap cho họ.
Ngoài ra, với nhà thứ hai là người kinh doanh nông sản, hiện đang nằm rải rác ở tất cả các địa phương, vậy khi tập trung tới mỗi trung tâm này sẽ được hỗ trợ như thế nào? Ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được hỗ trợ tham gia các lớp đào tạo để tiếp cận thị trường…
Thứ ba là đối tác nước ngoài khi tới Việt Nam, tới các trung tâm mua nông sản sẽ có ưu đãi gì so với Thái Lan, Indonesia. Ví dụ như cấp visa thời gian dài ngày hơn hoặc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho họ.
Thứ tư quan trọng hơn là ưu đãi cho những doanh nghiệp đầu tư các trung tâm này, ngoài các chính sách yêu đãi của địa phương, Chính phủ nên có các chính sách ưu đãi hơn về lãi suất ngân hàng, về thuế…để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển các trung tâm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thy Hằng – Ảnh Quốc Tuấn
(Diễn Đần Doanh Nghiệp)