Làm nóng hơn quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Năm 2022 được xem là năm mà các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để khôi phục hoạt động trở lại, vì thế, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa từ ba phía: Nhà nước – Ngân hàng và Doanh nghiệp.
Quan hệ tín dụng còn rào cản
Bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 còn hiện hữu, các hạn chế đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lực như thông tin về chính sách, vốn, đất đai, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ… tiếp tục còn có những khó khăn. Trong những nguồn lực kể trên, thì nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định sự hình thành, tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi bình thường, điều này đã không dễ đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam, chưa kể tác động của đại dịch khiến quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp càng có thêm những rào cản.
Đến 2021, lãi suất huy động đã giảm sâu kỷ lục, tuy nhiên thanh khoản của các ngân hàng vẫn dồi dào. Các ngân hàng cũng đã liên tục triển khai các chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng tăng, 12,97% so với cuối 2020. Cập nhật đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng theo NHNN ước đạt tới 13,53% so với cuối 2020.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tiền gửi từ khu dân cư có xu hướng giảm mạnh từ mức 7,5% vào năm 2020 còn 4% trong năm 2021, nguyên nhân chủ yếu là do mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức nền thấp, chỉ dao động từ 3-4 %/năm với kỳ hạn dưới sáu tháng; từ 3,7 – 5 % một năm với kỳ hạn 6 -12 tháng và 4,2 – 6,5% với kỳ hạn trên 12 tháng.
Đến nay, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế ngày càng cao khi đi vào chu kỳ lễ, Tết và nhiều doanh nghiệp cũng đã phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh, cần vốn để đẩy mạnh kinh doanh, các ngân hàng cũng đồng loạt triển khai các phương án hỗ trợ khách hàng vay vốn. Điển hình như ngân hàng Sacombank tiếp tục triển khai nguồn vốn ưu đãi lên tới 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó một nửa giá trị gói vay được dành cho khách hàng doanh nghiệp có lãi suất từ 4,5% với kỳ hạn vay 3 tháng, 5,5% với kỳ hạn vay 6 tháng, còn một nửa dành cho khách hàng vay cá nhân với lãi suất từ 6,5% một năm.
Các ngân hàng khác như Nam Á Bank hay ngân hàng ACB cũng có triển khai gói vay hơn 10.000 tỷ đồng, mức lãi suất từ 5- 6,5% một năm cho khách hàng doanh nghiệp…
Mặc dù ngân hàng liên tục đưa ra các gói ưu đãi tín dụng lãi suất nhằm kích cầu tín dụng, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp hiện nay, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, TGĐ Công ty Cổ phần Sài Gòn Triển Vọng cho biết, việc thẩm định của các ngân hàng chặt chẽ hơn rất nhiều so với trước đây khi một doanh nghiệp đề xuất phương án vay vốn. Ngoài vấn đề về tài sản thế chấp, ngân hàng không chỉ định giá một cách dè dặt, để đảm bảo khả năng thanh khoản mà vấn đề tín chấp thời điểm này gần như rất hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được vốn, vì không đáp ứng được các tiêu chí mà ngân hàng đưa ra. “Đây không phải vấn đề mới hay do dịch bệnh mà cũng là thực trạng đã tồn tại từ khá lâu. Trên thực tế, ngân hàng không thiếu tiền và ngân hàng cũng cần cho vay, nhưng cần có những giải pháp để thuyết phục ngân hàng tin tưởng, để tăng cường khả năng tiếp cận được vốn cho doanh nghiệp”.
Cần chính sách tín dụng với các biện pháp hỗ trợ rõ ràng
Cũng theo vị doanh nhân, doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng phải đánh giá những rủi ro với các yếu tố như:
Thứ nhất là mục đích vay. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay với lãi suất rẻ để cho vay lại, hoặc thay vì sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp lại hướng vào bất động sản, chứng khoán. Thời gian vừa qua, bất động sản rất nóng sốt hay thị trường chứng khoán tăng nhanh, cũng thể hiện việc dòng vốn đang được hướng vào hai thị trường này lớn.
Thứ hai về khả năng tín nhiệm của doanh nghiệp, khả năng trả nợ ra sao. Một doanh nghiệp khi vay ngân hàng sẽ có lịch sử tín dụng, khả năng xoay vòng dòng tiền và ngân hàng đánh phải giá rất kỹ để có thể yên tâm.
Thứ ba, về năng lực tài chính của doanh nghiệp, điển hình là tài sản để bảo lãnh thế chấp cho các khoản vay có đủ điều kiện hay không.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, chúng ta không nên đẩy rủi ro quá lớn về phía ngân hàng thương mại, thay vào đó phải có chính sách tín dụng rõ ràng từ phía NHNN.
“Bởi vì ngân hàng thương mại sử dụng nguồn tiền tiết kiệm của người dân để cho vay, cho nên họ phải có những biện pháp an toàn. Nếu muốn đẩy mạnh nguồn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp qua cơn đại dịch, thì trước tiên Nhà nước phải chấp nhận lấy rủi ro này. Nghĩa là phải có chính sách tín dụng rõ ràng, hỗ trợ cho chính các ngân hàng, hỗ trợ biện pháp tín dụng có chọn lọc, thì như vậy, các ngân hàng thương mại mới cảm thấy an toàn, có sự đảm bảo từ phía nhà nước để mạnh tay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn”, vị chuyên gia nói.
Năm 2022 được xem là năm mà các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để khôi phục hoạt động trở lại, vì thế nhất thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ từ ba phía: Nhà nước – Ngân hàng và Doanh nghiệp, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, giúp doanh nghiệp phục hồi khỏe mạnh trong tương lai.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn