Lãi suất khó đảo chiều tăng trong năm nay
Trong 8 tháng, lạm phát ở mức 3,1% – cách khá xa so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, cho nên dư địa để tỷ giá, lạm phát có thể hấp thụ giúp lãi suất vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm nay.
Tích cực từ hệ số nhân tài khoá
Theo công bố Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước và bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Từ các số liệu trên, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế trong tháng 8 đã có sự phục hồi so với tháng trước, nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì đây mới là mức đỡ giảm. Trong các cấu phần tăng trưởng, khu vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ rất khỏe, chiếm 40% tỷ trọng và có mức độ tăng trưởng 10%. Đi sâu vào ngành bán lẻ hàng hóa dịch vụ, có các cấu phần nhỏ hơn, tiêu biểu là bán lẻ hàng hóa tăng 8,7% với tỷ trọng lớn khoảng 3,1 triệu tỷ đồng; riêng du lịch lữ hành tăng 47% nhưng có tỷ trọng rất kém chỉ có 22,4 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng và vẫn giữ nguyên con số 6,5%. Một tin tốt là thông thường quý 3, quý 4 hằng năm, GDP sẽ tăng mạnh góp phần vào quá trình cất cánh của nền kinh tế.
Lý giải cho việc tại sao dịch vụ bán lẻ hàng hóa lại tăng trưởng mạnh thì có thể thấy, đầu tư công chính là nguyên nhân tạo ra sự truyền dẫn. Theo kế hoạch, tốc độ tăng trưởng đầu tư công năm nay sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm ngoái mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch. Đặc biệt, các vùng phía Nam đang cho thấy tốc độ giải ngân mạnh, có mức cao nhất khoảng 73,33%, điển hình là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông với một loạt các đường cao tốc đã thông xe.
Từ giải ngân đầu tư công sẽ đi đến một khái niệm là hệ số nhân tài khóa, gắn với chi tiêu của Chính phủ. Khi Chính phủ tăng chi tiêu vào xây dựng các công trình, cầu đường, tạo công ăn việc làm cho phía doanh nghiệp; Từ đó doanh nghiệp có khả năng chi trả lương cho người lao động, giúp thu nhập của các hộ gia đình tăng lên và tăng mua sắm tiêu dùng nhiều hơn, tác động đến các doanh nghiệp trong cấu phần khác của nền kinh tế. Như vậy, các doanh nghiệp này cũng có quan hệ với các hộ gia đình và tiếp tục tạo thành một vòng lặp. Việc lặp đi lặp lại này sẽ tạo ra sự tăng trưởng về GDP.
Theo tính toán trong giai đoạn 2021-2025, nếu chúng ta giải ngân đầu tư công tăng 1% so với năm trước thì GDP năm sau có thể tăng thêm 0,058%, đây là con số cụ thể mà các nhà kinh tế đã đưa ra.
Với những số liệu như hiện nay, chúng tôi nhận định, GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng hơn 5% hoặc dưới 5% một chút. Dự báo này có phần bi quan, nhưng nếu là một nhà đầu tư, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế.
Với tốc độ tăng trưởng GDP như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ và tài khoá được đẩy mạnh hơn nữa. Tương tự trong quý 3, với các động lực tăng trưởng như hiện nay, khả năng tăng trưởng GDP cũng sẽ ở mức khoảng 5%.
Xuất khẩu thoát đáy, tỷ giá lên đỉnh
Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với các tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực…
Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Chúng tôi cho rằng, con số “xuất siêu” này không tích cực cho lắm, bởi vì chúng ta sẽ nhìn thấy cả hai đầu xuất khẩu giảm 10% và nhập khẩu cũng giảm 16,2%. Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và dựa vào FDI.
Như vậy, việc xuất nhập khẩu rất quan trọng, đây là lĩnh vực khó có thể can thiệp vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của các thị trường nước ngoài, trong bối cảnh hai đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tiếp tục tăng lãi suất và những thông tin về châu Âu gần đây không được tốt. Do đó, sự khởi sắc vừa mới công bố chỉ là thoát khỏi vùng đáy, chứ chưa phải mang lại cho chúng ta dấu hiệu tăng GDP tích cực từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu cũng có mối liên quan mật thiết với tỷ giá, dù xuất khẩu thoát đáy nhưng tỷ giá thì đang trên đường đi lên đỉnh. Từ đầu năm nay, sau đợt điều chỉnh tỷ giá thời điểm gần Tết Nguyên Đán, thì gần đây tốc độ tăng trưởng của tỷ giá khá đều. Chúng ta sẽ phải xác định đỉnh mới của tỷ giá đâu đó ở mức 25.000 VND/USD.
Một điểm đáng chú ý là, hiện chênh lệch lãi suất giữa USD và lãi suất VND đang khá cao. Mọi người cũng kỳ vọng sau cuộc họp Jackson Hole, lãi suất của Mỹ có thể còn tiếp tục tăng. Và mặc dù cán cân vãng lai của Việt Nam đang dương hơn 20 tỷ USD, nhưng nếu tính trạng thái ngoại hối của toàn bộ hệ thống ngân hàng, ngoài việc giữ lại được khoản tiền từ các khách hàng xuất khẩu thì vẫn phải mua thêm để đề phòng rủi ro hoặc đầu cơ thêm.
Nhiều người cũng băn khoăn, liệu năm nay nếu tỷ giá tăng cao thì Ngân hàng Nhà nước có thay đổi chính sách về lãi suất hay không? Dưới góc nhìn của tôi sẽ là không, bởi vì cán cân thương mại vẫn đang dương và xuất khẩu đã thoát khỏi vùng đáy. Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng cán cân thương mại sẽ còn tích cực hơn nên vấn đề về tỷ giá dù có tăng, nhưng không phải vấn đề quá quan ngại.
Đặc biệt trong 8 tháng vừa qua, lạm phát ở mức 3,1% – cách khá xa so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, cho nên dư địa để tỷ giá, lạm phát có thể hấp thụ giúp lãi suất vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm nay.