Lãi suất giảm sâu, vì đâu doanh nghiệp ngại…nợ?

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm sâu cùng nhiều chính sách ưu đãi từ phía các ngân hàng, nhưng vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm vốn vay.

Lãi suất giảm sâu, vì đâu doanh nghiệp ngại…nợ?

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng cần có những gói tín dụng, giải pháp tài chính thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Khó chứng minh điều kiện trả nợ

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng năm 2023 mới chỉ đạt ¼ mục tiêu tăng trưởng cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm: Do tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang thấp. Khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp thì cầu tín dụng không thể cao được. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như tồn kho nhiều, ít đơn hàng, khó khăn trong xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng chưa thực sự sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nêu, thực tế hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Trong khi đó, nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp mời chào vay nhưng lại không có nhu cầu vay (nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng đang thấp).

Nhận định về tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng năm 2023 chậm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế – cho rằng, chỉ giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu, đầu ra không có như hiện nay.

Doanh nghiệp cũng không… mặn mà

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng – Nguyễn Thị Dung, việc giảm lãi suất vốn vay đối với cả nợ cũ và vay mới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn giảm một phần chi phí tài chính. Việc lãi suất điều hành tiếp tục giảm khiến doanh nghiệp và người dân kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Vì vậy, họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Lãi suất giảm sâu, vì đâu doanh nghiệp ngại…nợ?

Lãi suất điều hành giảm dẫn đến kỳ vọng giảm lãi vay

Tại Hải Phòng, bà Dung cho biết, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp không cao do chưa có phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn hoặc vướng về điều kiện cho vay.

Ông Bùi Thành Trung – PGĐ Công ty sản xuất bao bì Việt Anh (Hải Phòng) – cho biết, hiện các đơn hàng công ty đang gặp khó khăn về đầu ra. Do đó, doanh nghiệp chỉ đang muốn duy trì sản xuất chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất và cần nguồn vốn lớn. Dự kiến đến giữa năm 2024, công ty có thể cần tới hàng chục tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc thiết bị đáp ứng các đơn hàng mới. Tuy nhiên, công ty vẫn băn khoăn dù có nhiều ngân hàng giới thiệu nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn mức niêm yết trên thị trường nhưng lại đưa ra yêu cầu cao.

Bà Phùng Thị Liên – Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản Hưng Trang  – cho hay, doanh nghiệp của bà đã thành lập được 3 năm, chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản đi các nước Nhật, Hàn Quốc, Canada, Mỹ. Hiện doanh nghiệp vẫn phải sử dụng nguồn vốn lưu động từ các cổ đông, chưa được tiếp cận dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng vì thiếu tài sản đảm bảo.

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan quản lý tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, hỗ trợ cả chi phí đầu vào thông qua các chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí. Các ngân hàng cũng cần có những gói tín dụng, giải pháp tài chính thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button