KIDO rời bỏ chuỗi ăn uống

Với việc thoái vốn khỏi hệ thống cà phê - trà - kem Chuk Chuk lẫn giải thể liên doanh Vibev chuyên sản xuất và phân phối nước tươi, có thể nói KIDO đã gần như bỏ hẳn một mảng đồ ăn lớn.

KIDO rời bỏ chuỗi ăn uống
KIDO vừa chính thức thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO vừa chính thức thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV. TTV chính là đơn vị vận hành của chuỗi Chuk Chuk, dự án ra mắt từ tháng 6 năm 2021.

Đây được xem là một quyết định rất bất ngờ, bởi trước đó KIDO tham gia với góp vốn với tỷ lệ 61% (tổng vốn đầu tư ban đầu 100 tỷ) để nắm quyền chi phối. TTV kỳ vọng đến năm 2025 Chuk Chuk sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng với doanh thu trên 7.800 tỷ đồng. Còn KIDO mong muốn biến Chuk Chuk thành thương hiệu F&B quốc gia, bao phủ không chỉ trong nước mà còn phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế, với mục tiêu có trên 50 cửa hàng Chuk Chuk vào cuối năm 2021 và bắt đầu nhượng quyền vào năm 2022.

Thông tin trên website của Chuk Chuk cho thấy thương hiệu này mở rộng đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội.

Trước đó không lâu vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2022, KIDO lại đóng cửa thêm một dự án liên quan đến sản phẩm ăn uống. Đó là quyết định giải thể Vibev, liên doanh 400 tỷ đồng giữa KIDO và Vinamilk. Lý do được phía Vinamilk đưa ra là có sự thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và KIDO.

Vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng, trong đó KIDO góp 49%, còn Vinamilk góp 51%. Vibev được kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế hệ thống phân phối sẵn có của Vinamilk và KIDO, với mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi sau 5 năm vận hành.

Đây đều là những quyết định khá bất ngờ, bởi hai dự án này trước đây cho thấy quyết tâm của KIDO trong mảng chuỗi đồ ăn đồ uống.

KIDO rời bỏ chuỗi ăn uống
Chuk Chuk định hướng theo kiểu chuỗi Ông Bầu hoặc PhinDeli

Về Chuk Chuk. Trái ngược với ý kiến cho rằng Chuk Chuk có thể trở thành “Starbucks của Việt Nam”, hướng đến trải nghiệm nhiều hơn là cà phê để uống, thì Chuk Chuk định hướng theo kiểu chuỗi Ông Bầu hoặc PhinDeli, bán cà phê để uống.

Theo đại diện từ KIDO, Chuk Chuk là mô hình “độc nhất vô nhị”, 3 trong 1, vừa có cà phê, vừa có thức uống tốt cho sức khỏe từ trái cây, vừa có trà sữa. Họ có thể phục vụ thức uống tươi cho khách hàng cả ngày. Tức là Chuk Chuk định vị thương hiệu là “bán đồ để ăn uống”. Do đó chiến lược của họ là mở thật nhiều điểm bán, hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như GS25 hoặc Central Retail để mở rộng độ phủ sóng. Họ còn phát triển thêm mô hình kiosk và xe đẩy. Thậm chí KIDO còn muốn đem Chuk Chuk qua Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực. Sau này ngoài trà sữa, cà phê, thì Chuk Chuk bán cả kem.

Đặt nhiều kỳ vọng là thế, với vốn đầu tư 308 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính quý 3/2022), thế nhưng cuối cùng KIDO vẫn quyết định thoái vốn khỏi TTV.

Về Vibev. Vibev chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đồ uống tươi, đã có hai sản phẩm sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi thương hiệu Oh Fresh.

Liên doanh này vốn dĩ được kỳ vọng sẽ là ngựa ô trong cuộc chiến đồ uống. Đó không chỉ là vì được hậu thuẫn bởi hai ông lớn Vinamilk và KIDO, hay việc tận dụng lợi thế từ hệ thống phân phối khổng lồ sẵn có hoặc dây chuyền sản xuất, chế biến, logistic, mà bởi vì hiện này thị trường nước tươi rất mới mẻ, ít đối thủ cạnh tranh, nếu có thì cũng nhỏ lẻ, không đấu lại Vinamilk – KIDO. Đó là còn chưa kể ngành nước giải khát Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng ổn định, cũng như xu hướng dùng các loại đồ uống tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Tuy nhiên cuối cùng các lợi thế này cũng không thể giúp Vibev tồn tại lâu dài.

Hai dự án, hai mục tiêu, hai mảng khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi ăn uống. Và KIDO đều lần lượt từ bỏ cả hai. Điều này cho thấy chiến lược của họ trong ngành này đã diễn ra không như mong muốn.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button