Khơi thông tín dụng xanh: Cần chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ

Để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua việc bảo lãnh tín dụng, bao gồm cả trái phiếu xanh.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xanh và số hóa đang trở thành xu hướng tất yếu với bất cứ quốc gia nào muốn đạt được sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Trong đó, các vấn đề như bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu… được đặt lên hàng đầu. Và tín dụng xanh là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu đó.

Khơi thông tín dụng xanh: Cần chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ
Tín dụng xanh là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững – Ảnh minh họa: ITN

Nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, khi dòng vốn này được khơi thông, sẽ chảy mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế, đến được với nhiều khách hàng, giúp “xanh hóa” thói quen, hành vi cũ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển tín dụng xanh vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, để khơi thông nguồn vốn tín dụng này trong thời gian tới, theo chuyên gia, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tín dụng xanh. Trước tiên, cần có các biện pháp tài chính như miễn, giảm thuế cho các dự án xanh, cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Đây là biện pháp mà chính phủ có thể thực hiện ngay để thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch về các tiêu chuẩn môi trường, từ đó giúp các doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ và tiếp cận các nguồn vốn xanh.

“Việc tìm kiếm nguồn vốn cung cấp cho các dự án môi trường cần sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua việc bảo lãnh tín dụng, bao gồm cả trái phiếu xanh. Bởi nguồn lực của Chính phủ dồi dào có thể đảm bảo trả nợ thay cho các chủ dự án khi họ không thực hiện được cam kết. Mặc dù một số doanh nghiệp lớn có vốn nhà nước có thể tự phát hành trái phiếu xanh, các doanh nghiệp tư nhân thì chưa quen với việc này ở Việt Nam. Do đó, việc thiết lập một nguồn vốn để sử dụng cho cải tạo môi trường cần có sự bảo lãnh của Chính phủ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, sự bảo lãnh của Chính phủ là rất quan trọng để tạo niềm tin cho thị trường, giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và ngân hàng, đồng thời khuyến khích họ tham gia tài trợ cho các dự án này, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi thị trường chưa quen với các công cụ tài chính xanh.

Khơi thông tín dụng xanh: Cần chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ
Để khơi thông nguồn vốn tín dụng này trong thời gian tới, theo chuyên gia, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ – Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị, các bộ, ngành cần rà soát, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh.

“Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển… của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Phát triển thị trường vốn cho lĩnh vực xanh bổ trợ cho nguồn vốn tín dụng như trái phiếu xanh, tín chỉ các-bon…”, đại diện Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, về phía doanh nghiệp, để tiếp cận nguồn vốn xanh, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả và tìm các nguồn vốn cũng như nâng cao điểm thực hành phát triển bền vững. Cạnh đó, cần tích cực chủ động tìm kiếm các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xem xét các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực ngành hàng. Ví dụ như dệt may, có thể cố gắng đạt được chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, hay với nông nghiệp là chứng chỉ GlobalGap. Các ngân hàng có thể sẽ xem xét các mức lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp đạt chứng chỉ so với các doanh nghiệp “trắng” về mặt chứng chỉ phát triển bền vững.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button