Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo
Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Hải – Chuyên gia Năng lượng và Tư vấn độc lập tài chính đầu tư tới Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Nhằm thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2050 theo ông Việt Nam cần thực hiện những nhiệm vụ nào để đảm bảo an ninh năng lượng?
Trong tình trạnh bất ổn của thế giới hiện nay khi các cuộc xung đột đang diễn ra cũng như các nguy cơ tiềm ẩn, việc tự chủ được nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Bài học châu Âu cho thấy việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, hướng tới phát triển bền vững có vai trò then chốt đảm bảo an ninh lượng.
Do đó để xây dựng ngành năng lượng tái tạo là ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, đưa Việt Nam trở thành trung tâm R&D, tự chủ được sản xuất, vận hành, dịch vụ năng lượng tái tạo của khu vực, Việt Nam cần có chính sách ổn định, có cơ chế gối đầu kịp thời khi hết hạn cơ chế giá ưu đãi (giá FiT).
Các cơ chế thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ không chỉ đơn giản là cơ chế mua bán điện, vấn đề truyền tải mà còn là các chính sách hỗ trợ và khuyến khích toàn diện về lãi suất vay, giải phóng mặt bằng, thuế, và các ngành công nghiệp phụ trợ khác như sản xuất, chế tạo và nguồn nhân lực.
– Các doanh nghiệp cho rằng để phát triển nguồn NLTT thì cần phát triển thị trường điện canh tranh bán lẻ một cách đồng bộ, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở Việt Nam.
Việc triển khai này cũng đáp ứng nhu cầu của nhiều người mua là các tập đoàn toàn cầu khi họ đã cam kết sử dụng năng lượng tái tạo. Do đó, đây cũng là động lực để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo chủ động đàm phán người mua là các nhà máy, thay vì đàm phán với EVN hoặc các công ty bán điện khác. Và khi đó vai trò của EVN vẫn còn ở việc cung cấp hệ thống truyền tải điện.
Về nguyên lý, thị trường cạnh tranh khi cung – cầu gặp nhau và ít có sự can thiệp hành chính hoặc độc quyền. Ở môi trường này sẽ phát triển đa dạng người bán và các đối tượng mua khác nhau. Chẳng hạn như thị trường hàng không, viễn thông đã làm được điều này và thị trường điện cũng cần được vận hành theo cơ chế cạnh tranh để minh bạch thị trường.
– Thưa ông, để góp ý xây dựng chính sách cho thị trường năng lượng tái tạo, ông sẽ có những ý kiến nào đề xuất?
Tới thời điểm cuối năm 2022, trong khoảng hơn 8GW điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện PPA với EVN, mới có khoảng 4 GW kịp ngày vận hành thương mại COD. Như vậy khoảng 4GW dự án điện gió đã lỡ hẹn giá FIT vẫn chưa có cơ chế mua điện mới. Trong khi đó 1GW điện tổng đầu tư đã 2-3 tỷ USD, như vậy có thể hiểu nhiều tỷ USD đầu tư đang bị lãng phí, dẫn đến việc nhà đầu tư bị đọng vốn, phải trả lãi vay ngân hàng, khiến nguồn lực xã hội bị lãng phí.
Hiện nay trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt và giá cả biến động bất thường thì việc huy động năng lượng tái tạo vẫn là xu thế tất yếu. Do đó chính sách cho thị trường năng lượng tái tạo tiếp theo cần sớm được ban hành, các chính sách từ quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng cho tới thực tế cần rõ ràng để gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, tiến tới đáp ứng lộ trình cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong trường hợp không có giá FIT, nhà đầu tư cũng cần sớm được biết được khoảng giá mua điện kỳ vọng của EVN để quyết định có tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thời gian tới hay tạm dừng.
– Xin cảm ơn ông!