Khơi dậy tinh thần doanh nhân
Trải qua 36 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Tính đến nay, Việt Nam đang có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, 860 nghìn doanh nghiệp. Khu vực này cũng đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động. Trong đó, không ít doanh nhân đã tạo dựng được những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế.
Điểm nhấn Nghị quyết số 09-NQ/TW
Nghị quyết số 09-NQ/TW năm 2011 của Bộ Chính trị đã thực sự trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ngay sau khi Nghị quyết trên ra đời, các cơ quan quản lý đã tích cực nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng phục vụ của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Thực tế, trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, các cơ quan quản lý đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành 12 đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (năm 2014 và 2020), Luật Đầu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và xây dựng các văn bản hướng dẫn các Luật này.
Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã tạo ra bước đột phá về cải cách thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế, tạo ra những bước đột phá lớn, quan trọng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh; đăng ký thành lập doanh nghiệp; nâng cao tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị công ty, bảo vệ nhà đầu tư; thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các bên liên quan tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp; phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân.
Không chỉ có vậy, chủ trương nhất quan của Đảng, Nhà nước đều khẳng định “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, đặc biệt, trong danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 15 doanh nhân, đại diện cho các doanh nghiệp khu vực Nhà nước, tư nhân và Hiệp hội doanh nghiệp.
Chủ động để phát huy vị thế
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn còn đó nhiều hạn chế, cản trở sự phát triển bền vững như: Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ bé, tới gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp, chưa theo kịp xu thế của kinh tế số hiện nay; Chưa có tầm nhìn kinh doanh chiến lược dài hạn; Tính hợp tác, liên kết và văn hoá doanh nghiệp chưa cao…
Vì vậy, bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành, thực thi, để tăng lợi thế cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu, doanh nghiệp, doanh nhân cần khắc phục những điểm hạn chế nêu trên, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới vào mô hình quản trị, phương thức điều hành; đầu tư, nghiên cứu hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh để chủ động thích ứng với thị trường; Chủ động giám sát, góp ý việc xây dựng, ban hành pháp luật nhằm giảm sự rủi ro, tránh được những biến động bất ngờ trong thể chế, chính sách, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh được an toàn, thuận lợi và ổn định trong quá trình hoạt động.
Cùng với sự chủ động, nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, về phía quản lý Nhà nước cũng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, theo hướng thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp; thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các điều kiện kinh doanh, “giấy phép con” không còn phù hợp, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ doanh nhân – doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn