Kết thúc vụ lùm xùm OpenAI: Microsoft “thâu tóm” Sam Altman

Microsoft đã nhanh tay “thâu tóm” Sam Altman về dưới trướng mình, chỉ 3 ngày sau vụ sa thải gây gốc. Microsoft hành động như vậy, bởi nếu Altman không quay lại, họ chính là bên tổn thất lớn nhất.

Kết thúc vụ lùm xùm OpenAI: Microsoft “thâu tóm” Sam Altman

Hôm thứ sáu (17/11/2023), Altman, “cha đẻ” của công cụ ChatGPT, thứ làm nên tên tuổi cho OpenAI, bất ngờ bị hội đồng quản trị sa thải. Thông tin này khiến các nhà đầu tư ngồi không yên, đặc biệt là Microsoft, đơn vị đầu tư hơn 10 tỷ USD cho OpenAI. Những tưởng Altman sẽ lại quay về, thế nhưng cuối cùng, Altman đã đầu quân luôn cho ông lớn Microsoft.

Việc Microsoft sốt sắng như vậy là điều dễ hiểu, bởi theo các nhận định trong ngành, nếu Altman không quay trở lại, thì Microsoft sẽ gặp rắc rối và là bên chịu tổn thất nặng nề.

Trên X (tên mới của Twitter), nhiều hình ảnh meme đùa rằng khi Altman bị loại khỏi OpenAI, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ lên kế hoạch đem tiền đổ vào công ty mới của anh ngay lập tức. Dù chỉ là meme, thế nhưng thực tế có nhiều bên sẵn sàng làm như vậy. Và khi đó, công ty mới này (nếu có xảy ra) sẽ trở thành một đối thủ của OpenAI.

Sự ra đi của Altman không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, mà còn tác động lớn đến các nhân tài trong OpenAI. Sau khi Altman bị sa thải, Greg Brockman, người đồng sáng lập với anh, cùng ba nhà nghiên cứu cấp cao cũng lập tức nghỉ việc để phản đối.

Không dừng lại ở đó, The Verge đưa tin rằng còn nhiều nhân viên khác đe dọa sẽ nghỉ việc nếu Altman không phục chức. Phản hồi lại các thông tin này, anh đăng một bài trên X, bày tỏ “Tôi rất yêu nhóm OpenAI”.

Với sự gắn bó khăng khít này, sẽ không có gì bất ngờ nếu Altman thành lập startup mới và kéo nguyên bộ sậu OpenAI đi theo. Đó là cách mà nhiều startup đã bắt đầu. Nếu viễn cảnh ấy xảy ra, thì người thua cuộc lớn nhất trong vụ lùm xùm giữa Altman và OpenAI chẳng phải là Altman, cũng chẳng phải nhân viên OpenAI. Mà đó là bản thân các bên đã đầu tư vào OpenAI, đặc biệt là Microsoft và CEO Nadella.

Hay nói cách khác, Altman không quay trở về, Microsoft và Nadella là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhà đầu tư Dan Ives phát biểu về sự việc: “Nadella đã nhận ra rằng Altman có vai trò không thể thay thế tại OpenAI. Vậy nên việc để Altman ra đi là không thể chấp nhận được. Lần này hội đồng quản trị OpenAI đã vượt quá ranh giới. Cuộc đảo chính đã thất bại và phản tác dụng.”

Theo thống kê, Microsoft đã đầu tư hơn 10 tỷ USD và sở hữu lượng lớn cổ phần. Mặc dù Microsoft chưa bao giờ công khai xác nhận quy mô cổ phần, nhưng có nguồn tin cho biết tỷ lệ lên đến 49%. Và đây là tỷ lệ trong đơn vị hoạt động vì lợi nhuận, còn bản thân OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận.

Ban quản trị của OpenAI phi lợi nhuận có 6 người không sở hữu vốn cổ phần, bao gồm cả Altman và Brockman. Vì vậy, chỉ cần một cuộc bỏ phiếu 4-2 là đủ để sa thải Altman và đưa Mira Murati, giám đốc công nghệ hiện tại, lên nắm quyền CEO tạm thời.

OpenAI thực hiện kế hoạch này và chỉ cảnh báo cho Microsoft vài phút trước khi thông báo sa thải Altman. Trước tin này, Microsoft vẫn đứng về phía công ty, ít nhất là trước công chúng. Trong một tuyên bố, họ khẳng định Microsoft có mối quan hệ hợp tác lâu dài với OpenAI, có quyền tiếp cận mọi thứ cần thiết để phát triển chương trình và lộ trình sản phẩm, cũng như vẫn cam kết kéo dài mối quan hệ với OpenAI và với Mira.

Cho đến trước khi sự việc sa thải Altman diễn ra, phi vụ làm ăn với Microsoft là món hời với Nadella. Khi ấy, Microsoft vừa có cơ hội tiếp cận sâu vào các công nghệ cốt lõi của AI, vừa ngăn chặn các đối thủ thực hiện điều này.

Thế nhưng nếu Altman bị sa thải và không đồng ý quay trở lại, cũng như lập một startup AI mới, mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn. Khi ấy, Altman có thể dễ dàng chiêu mộ những người nắm rõ bí mật của OpenAI. Không chỉ vậy, các bên như Google hay Amazon rất có khả năng sẽ đưa ra những khoản đầu tư mà Altman không thể chối từ.

Nó không chỉ ảnh hưởng đến số tiền mà Microsoft đã đầu tư cho OpenAI, mà còn tác động đến lợi nhuận từ các khoản đầu tư đó. Hiện nay, Microsoft đã đưa công nghệ OpenAI vào hầu hết các sản phẩm chủ đạo của mình và đánh bại các đối thủ khác trong cùng thị trường.

Bên cạnh đó, họ còn cắt giảm hoặc hủy hoàn toàn các dự án AI trong “siêu vũ trụ công nghiệp” do chính họ thai nghén để tập trung OpenAI. Và điều này đồng nghĩa với việc nếu OpenAI tan biến, thì Microsoft cũng chẳng còn “vốn dự phòng nhanh” cho công nghệ AI tạo sinh nữa.

Vậy nên với Nadella, tốt nhất vẫn là nên đưa Altman quay trở lại. Một số nguồn tin cho rằng Altman sẽ chỉ trở lại nếu OpenAI thay đổi cơ cấu quản trị và đổi luôn 4 người từng sa thải anh. Điều này khiến nhiều bên cho rằng có lẽ Microsoft sẽ tranh thủ thay đổi cơ cấu quản trị OpenAI, tiến sâu hơn vào công ty này, nắm giữ một ghế trong hội đồng quản trị.

Thế nhưng chiêu bài cuối cùng mà Nadella tung ra là đưa luôn Altman (lẫn Brockman) về dưới trướng Microsoft. Với bước đi này, Microsoft “lợi trăm đường”. Họ vừa chẳng lo lắng các bí mật công nghệ OpenAI rơi vào tay đối thủ, vừa tiếp tục hợp tác với OpenAI, vừa nắm được những nhân vật then chốt như Altman và có lẽ sẽ tiến đến xây dựng một thương hiệu AI mới. Cổ phiếu của Microsoft cũng tăng đến 2,7% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ở New York, sau khi giảm 1,7% lúc đóng cửa giao dịch hôm thứ 6.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button