Kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành
Sáng 30/3, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ngành trong tỉnh; nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm sinh học công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam); Viện Nghiên cứu đào tạo tư vấn khoa học và công nghệ ITC; Trường Cao đẳng Dược T.Ư Hải Dương và nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Nam núi Dành.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá sản phẩm, giới thiệu nguồn gốc, chất lượng, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến. Qua đó tạo cơ hội cho các DN, thương nhân tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.
Được biết, năm 2010, huyện Tân Yên phát hiện một số gốc sâm cổ ở khu vực xung quanh núi Dành thuộc xã Liên Chung. Nhận thấy mức độ quý hiếm của loại sâm này, năm 2012, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành tại một số hộ dân”. Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh”.
|
Đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm từ sâm Nam núi Dành. |
Kể từ đó đến nay, sâm Nam núi Dành được trồng thành vùng tập trung có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Hiện nay, huyện đang thực hiện đề án “Phát triển sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022-2027”. Theo đó, địa phương tập trung chỉ đạo, định hướng người dân sản xuất theo chuỗi; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tuân thủ nghiêm các quy định đối với mã số vùng trồng trong khâu sản xuất.
Huyện quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm… đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều cơ quan, đơn vị, DN, HTX đã tìm hiểu, sản xuất, nghiên cứu, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sâm Nam.
Thời điểm này, huyện Tân Yên có khoảng 125 ha sâm được trồng tại các xã: Việt Lập, Liên Chung và thị trấn Cao Thượng. Dự kiến năm nay, huyện có hơn 18 ha cho thu hoạch củ, sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115 ha cho thu hoạch hoa, sản lượng ước đạt hơn 60 tấn.
Các sản phẩm chế biến hiện nay gồm: Hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi Dành, rượu sâm, trà hoa sâm…
Một góc mô hình của HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh, thôn Hậu, xã Liên Chung. |
Từ năm 2022 đến nay, huyện Tân Yên đã kết nối tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành tại nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ thuộc các tập đoàn, siêu thị lớn; bán trên sàn thương mại Shopee và nhiều công ty dược, công ty bánh kẹo…
Với mong muốn tiếp tục nhân rộng vùng trồng, đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Yên cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người dân trồng sâm, DN, thương nhân trong khâu thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó, huyện mong muốn các cơ quan T.Ư, đơn vị nghiên cứu, UBND tỉnh, các sở, ngành quan tâm định hướng, kết nối với các DN có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Thảo luận tại hội nghị, ý kiến các đại biểu cho rằng, sâm Nam núi Dành được đánh giá cao về chất lượng và mức độ quý hiếm. Việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sâm Nam núi Dành những năm qua có nhiều thuận lợi song vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Đó là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân sản xuất sâm với các hộ kinh doanh, đơn vị truyền thông, các HTX, DN trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, nhà khoa học để hỗ trợ người dân, DN, HTX thực hiện đúng quy trình trồng và sản xuất sâm theo mô hình hữu cơ còn hạn chế…
Tại đây, ông Nguyễn Thành Viên, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và dịch vụ thương mại sâm Nam núi Dành đề nghị, huyện Tân Yên thành lập ban chỉ đạo phát triển sâm Nam núi Dành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng sâm và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đại diện các DN, HTX, tổ chức ký kết hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành. |
Có ý kiến đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai để người dân mở rộng diện tích trồng sâm. Đồng thời có cơ chế thu hút DN trong và ngoài nước về đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cây sâm.
Cùng với đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, về lâu dài, huyện Tân Yên xem xét hỗ trợ DN, HTX máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sâm Nam núi Dành; quan tâm cứng hóa, mở rộng đường giao thông; chú trọng truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các DN, HTX, tổ chức đã ký kết hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành.