KẾT NỐI NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TẠI KHOA DU LỊCH VÀ KHÁCH SẠN UNETI
Vừa qua tại Hà Nội, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học với chủ đề “Kết nối nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại khoa Du lịch và khách sạn Uneti”….
Đây là lần đầu tiên kể từ sau dịch Covid khoa Du lịch và Khách sạn trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức buổi hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện Hội đồng nhà trường, Ban Giám hiệu, lãnh đạo phụ trách, thầy cô cùng sinh viên tiêu biểu khoa Du lịch và khách sạn của nhà trường và đặc biệt sự hiện diện của nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành và khách sạn lớn như:
-Bà Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc Hanoi Tourism.
-Bà Dương Kim Tuyến – Giám đốc công ty Cổ phần đào tạo tư vấn và phát triển ABA.
-Ông Benjamin Schwars – Tổng quản lý Crowne Plaza Vĩnh Yên city center.
-Ông Vũ Quyết Thắng – Giám đốc Hoàng Việt Travel.
-Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc Vietsence Travel.
-Ông Đặng Quốc Trang – Tổng quản lý Flamigo Cát Bà.
-Bà Trần Thanh Hương – Phòng tuyển dụng tập đoàn BIM Group.
-Bà Đào Khánh Hoàn – Trưởng phòng hành chính nhân sự Chi nhánh công ty cổ phần Du lịch và thương mại Dân chủ – Hollywood One Hà Nội.
-Bà Trương Thị Hạnh Nga – Quản lý nhân sự Sunway Hotel Hà Nội.
-Bà Nguyễn Thị Minh Thu – Giám đốc công ty TNHH Du lịch Slink Việt Nam.
Cùng nhiều đại diện doanh nghiệp, đại diện báo chí và nhiều doanh nghiệp tham dự trực tuyến.
Khai mạc hội thảo, TS. Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu mở đầu chương trình.
Tiếp đến TS. Phạm Thị Lụa – Phụ trách Khoa Du lịch và Khách sạn đã trình bày “Tổng quan về đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Khoa Du lịch và khách sạn Uneti”. Nội dung thảo luận nhằm giới thiệu với doanh nghiệp, khách mời cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo của nhà trường, chương trình đào tạo, các hoạt động thực hành, thực tập của sinh viên, các hoạt động hợp tác của khoa trong thời gian qua cũng như các định hướng hợp tác doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm tiếp theo.
Tại buổi hội thảo bà Nhữ Thị Ngần – Tổng Giám đốc Hanoi Tourism đã chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Theo thống kê của Cục du lịch quốc gia năm 2021 thì chúng ta cũng nhìn thấy bắt đầu từ giai đoạn của Covid, nguồn nhân lực gần như đã có một biến động rất lớn về lượng nhân viên tạm nghỉ việc, con số này lên tới trên 30%.
Đối với nhu cầu làm việc cầm chừng mang tính chất giữ chân nhân lực hoặc làm việc online tại nhà nhưng thực chất chỉ là giữ chân mà thôi. Không có công việc gì làm ngừng hoàn toàn là 10%. Về các nhân sự làm đủ thời gian là khoảng 25% và hầu hết là xử lý các công việc tồn đọng hoặc xử lý các vấn đề còn vướng mắc thời gian trước Covid là chính và chấm dưt hợp đồng lao động là 30%, tuy nhiên lực lượng này giảm rất lớn vào 2022 do nhiều yếu tố khác nhau. Năm nay chủ đề của du lịch thế giới là du lịch xanh, đầu tư phát triển du lịch xanh, yếu tố này chúng ta thường nhắc đến cách đây rất nhiều năm rồi nhưng mà tư duy về phát triển du lịch bền vững và du lịch xanh là chưa đồng bộ. Để vận hành một hệ thống cho nhân sự có tư duy xanh và làm việc xanh gần như là rất khó và rất tốn kém. Hiện tại sau covid gần như là tất cả các nhu cầu của du khách về sản phẩm thay đổi, điểm đến thay đổi, hình thức tiêu dùng thay đổi, chi tiêu cũng thay đổi, do đó nếu như vẫn giữ nguyên cái tư duy trước đây là tôi có cái gì tôi bán cái đấy và tôi có thế nào tôi làm như thế thì không được sự chấp nhận của thị trường nữa… Bởi vậy, nguồn nhân lực trong tương lai là phải đảm bảo tính thích nghi, phá bỏ cái tư duy cũ của mình để mà làm cái mới.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc Vietsence Travel, đến thời điểm hiện tại trên cả nước chúng ta có hơn 6 nghìn doanh nghiệp lữ hành, trong đó có hơn 4 ngàn doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khoảng 1.755 doanh nghiệp nội địa. Đấy là một con số rất là ấn tượng, tăng trưởng rất là ngoạn mục so với những năm sau Covid. Khi giai đoạn Covid phục hồi trở lại, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tăng khoảng hơn 1 nghìn doanh nghiệp. Theo thống kê vừa rồi cho thấy có 860 ngàn lao động đang làm việc trong ngành, trong đó có cả khách sạn, lữ hành và các ngành dịch vụ khác.
Ngoài ra, mỗi năm nhu cầu lao động tăng thêm trong ngành đến 40 ngàn người. Trong khi đó tổng tất cả các cơ sở đào tạo từ đại học, cao đẳng, trung cấp cho đến các doanh nghiệp cơ sở đào tạo ngắn hạn khoảng 282 cơ sở trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch. Mỗi năm đầu ra của các nguồn cung này khoảng 20 nghìn người tức là chiếm 50% nhu cầu hiện tại. Ông mong muốn về phía nhà trường có thể tăng cường đầu tư để phát huy được hết các giá trị lợi ích và khẳng định thương hiệu khoa du lịch của trường, có năng lực cạnh tranh, đầu ra tốt, là một địa chỉ tin cậy để có thể tuyển dụng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Quốc Trang – Tổng Quản lý Flamigo Cát Bà bày tỏ mong muốn hợp tác với nhà trường không chỉ riêng với khoa Du lịch và khách sạn mà còn với nhiều khoa khác khi mà nhu cầu nhân lực trong các ngành kỹ thuật, cơ khí, điện tử… tại tập đoàn Flamigo hiện nay rất lớn. Tập đoàn Flamigo luôn sẵn lòng và cũng đã hợp tác với rất nhiều trường đại học trong công tác đào tạo và tuyển dụng trực tiếp sinh viên tại các buổi trao bằng tốt nghiệp. Sinh viên thực tập tại tập đoàn Flamigo sẽ được đào tạo như những nhân viên chính thức. Ông tin tưởng rằng khoa Du lịch khách sạn Uneti dù còn non trẻ nhưng cũng có lợi thế trong việc bứt phá khi là một đơn vị đào tạo mới, dễ chuyển đổi.
Với tư cách là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành du lịch với 8 chi nhánh tại Hà Nội, ông Vũ Quyết Thắng – Giám đốc Hoàng Việt Travel khẳng định, nhân sự là yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp lữ hành. Việc phối hợp trong công tác đào tạo nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp là việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Sau phần chia sẻ của các doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hữu Quang – Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự hoan nghênh đối với các ý tưởng xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch – đây là một ý tưởng sáng tạo và mang ý nghĩa thiết thực trong công tác đào tạo mà nhà trường đang hướng đến.
Sau buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Quang – Phó Hiệu trưởng nhà trường và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về công tác đào tạo với các nội dung cụ thể:
- Cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.
- Xây dựng các chương trình thực hành, thực tập và tổ chức các đợt thực hành, thực tập cho sinh viên, người học.
- Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Tiếp sau chương trình hội thảo, các doanh nghiệp đến thăm quan phòng thực hành của khoa và thưởng thức đồ uống do các sinh viên Khoa Du lịch và khách sạn trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp tự pha chế.
Chương trình hội thảo kết thúc với khởi đầu tốt đẹp về hoạt động hợp tác, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường hướng tới đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong tương lai tại Uneti.
VĂN QUÝ