Hút du khách bằng chính sách visa mới: Giải pháp chiến lược
Chính sách thị thực mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 tới được xem là cánh cửa mở rộng để tạo cơ hội đột phá cho du lịch Việt Nam.
PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, chính sách của Việt Nam đang dần hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế, là đòn bẩy giúp cho du lịch phát triển.
Cũng theo ông Long, khi chính sách visa đã mở, việc cấp bách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ, tạo thêm nhiều trải nghiệm đa dạng ở các điểm đến, thay vì chỉ bán những sản phẩm – dịch vụ truyền thống, thiếu hấp dẫn.
– Ông đánh giá ra sao về tác động của chính sách visa mới, thưa ông?
Theo số liệu Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021, một trong các điểm yếu của Việt Nam được chỉ ra là độ mở cửa du lịch, xếp hạng 69/117 quốc gia. Điều đó cho thấy, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục mềm để vào Việt Nam còn hạn chế.
Do đó, chính sách visa mới được Quốc hội thông qua sẽ mang đến “lợi ích kép”, hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn tới Việt Nam, là động lực kéo dài thời gian lưu trú của du khách lâu hơn, chi tiêu cũng lớn hơn. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó. Việc khơi thông điểm nghẽn visa sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 và vượt xa hơn nữa trong năm 2024.
– Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách visa chỉ là khởi đầu, yếu tố quan trọng nhất chính là bài toán giữ chân du khách. Theo ông, các doanh nghiệp cần linh hoạt để nắm bắt cơ hội này ra sao?
Như tôi đã nói, chính sách visa là một tiêu chí để thu hút khách quốc tế và khi chính sách visa đã mở, việc cấp bách là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ, tạo thêm nhiều trải nghiệm đa dạng ở các điểm đến, thay vì chỉ bán những sản phẩm – dịch vụ truyền thống, thiếu hấp dẫn.
Hiện nay, khách châu Âu, châu Mỹ đi du lịch không chỉ đến Việt Nam rồi về mà còn đi du lịch các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia… Khách đến Hà Nội, sang Lào, Campuchia, về TP Hồ Chí Minh rồi vòng về Hà Nội. Với các chính sách trước đây, khách gặp rất nhiều khó khăn vì đến Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, đi sang một nước khác thì không quay về Việt Nam được nữa. Hiện nay, chúng ta cho xuất nhập cảnh nhiều lần, khách có thể đi vòng cung, từ Việt Nam sang các nước trong khu vực, sau đó quay trở lại Việt Nam.
Ngay lúc này, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chiến lược quảng bá điểm đến để du khách quốc tế biết mà tới. Tận dụng thời điểm tốt sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận được đa dạng du khách tiềm năng, ví dụ như khách du lịch hạng sang, khách doanh nhân tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh kết hợp du lịch,…
– Trong dài hạn, ngành du lịch Việt Nam còn cần phải cải thiện những gì để chính sách visa trở thành giải pháp chiến lược và tạo đà bứt phá cho toàn ngành du lịch, thưa ông?
Chính sách visa còn có thể cởi mở hơn nữa và dành riêng cho những thị trường đặc biệt, ví dụ như với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. Với đa phần du khách, họ không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không.
Bên cạnh chính sách visa, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch ban đêm là chủ trương đúng đắn nhằm tăng cường thu hút, giữ chân du khách ở lại và chi tiêu nhiều hơn. Việc xây dựng và phát triển kinh tế ban đêm sẽ là một chặng đường dài và cần có một hệ thống quản lý, cơ chế và chính sách tài chính để xây dựng hành lang pháp lý thông suốt cho sự phát triển của lĩnh vực này.
– Ông kỳ vọng chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế cho các doanh nghiệp ra sao?
Chúng tôi kỳ vọng, chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ 5-25% mỗi năm.
– Xin cảm ơn ông!