Góc ẩm thực: Đặc sản vùng núi Tây Bắc

Tây bắc không chỉ nổi tiếng với những dãy núi hùng vĩ, với những điệu múa của các cô gái Thái mà nơi đây còn nổi tiếng với những món ăn dân tộc được gọi là đặc sản của vùng núi Tây Bắc.

Trâu gác bếp – Hà Giang

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản được làm bởi người Thái đen và giờ đây nó trở thành một món đặc sản nổi tiếng của vùng núi cao Hà Giang. Du khách thập phương khi đến với Hà Giang sẽ được thưởng thức món trâu thơm lừng được phơi khô trên gác bếp. Đây là một nét văn hóa riêng của vùng cao nguyên đá và là một ấn tượng không thể quên đối với du khách khi đến với nơi này.

Ngày nay, món đặc sản này không chỉ làm từ thịt trâu mà còn có thể làm từ thị bò, thịt lợn để phù hợp hơn với thị hiếu của người ăn. Tuy nhiên món thị gác bếp này được cho là ngon nhất khi được làm từ thịt trâu. Miếng thịt gác bếp ngon là miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng. Thịt gác bếp phải có màu đen lánh, bên trong thớ có màu đỏ, vị ngọt quyện với mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị. Có lẽ món thịt này ngon nhất là khi được thưởng thức bên cạnh gác bếp đỏ lửa cùng với chén rượu ngô.

Góc ẩm thực: Đặc sản vùng núi Tây Bắc

Xôi chim Mường Thanh, Điện Biên

Khi đến với Điện Biên, hãy thưởng thức món xôi chim Mường Thanh, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể quên được, đây chính là món ăn truyền thống trong dịp lễ, tết của người dân nơi đây.

Xôi chim làm từ những hạt nếp nương được ngâm qua đêm và đỗ bằng chõ gỗ hai lần khiến những hạt xôi mềm dẻo, không bị dính tay. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi chín đều. Bằng cách đồ như vậy nên cơm xôi sau khi đồ rất mềm, và dẻo để được rất lâu.

Món ăn này có độ béo ngọt nhờ được chế biến từ những con chim non mới ra ràng (chim bồ câu đã được 10 – 15 ngày tuổi) nên thịt chim ngọt hơn, đậm đà hơn khi ăn. Hương vị món ăn sẽ hoàn chỉnh hơn nếu được rắc lên trên một ít hành khô chiên vàng.

Lợn cắp nách Lai Châu

Tại các phiên chợ vùng cao Lai Châu có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương bày bán những con lợn nhỏ có trọng lượng khoảng 10kg đến 20kg, nên người dân có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách cho tiện, có lẽ cái tên lợn “cắp nách” bắt nguồn từ đó. Lợn “cắp nách” là giống lượn chỉ có ở vùng cao Tây Bắc, chúng được thả rông mặc cho mưa nắng, không có chuồng trại, không được chăm sóc, những con lợn phải tự kiếm thức ăn từ những cây dại ở ngoài vườn, rừng… thỉnh thoảng mới được cho ăn những bắp ngô, củ sắn.

Lợn cắp nách được đầu bếp chế biến thành nhiều món ăn đa dạng và hấp dẫn như nướng, xào, hấp… Để có được món lợn cắp nách hoàn hảo không thể thiếu lá nhội và hạt dổi hoặc hạt xẻn. Những thứ gia vị độc đáo này được trộn lẫn cùng muối, ớt xanh tạo nên một thức chấm độc nhất vô nhị, những miếng thịt ba chỉ hấp hay những khúc lòng mà thiếu đi gia vị này coi như mất đi một phần hương vị. Những ai đã một lần được thưởng thức món lợn “cắp nách” chắc chắn sẽ nhớ mãi.

Đồ nướng Sa Pa, Lào Cai

Đồ nướng Sapa là món ăn yêu thích của nhiều du khách và con người Sapa. Trong cái lạnh giá của mùa đông trên vùng núi phía Bắc mà được thưởng thức những món đồ nướng thơm lừng, nóng hổi thì thật không điều gì tuyệt hơn. Chính vì vậy Sapa có cả một phố đồ nướng rất ngon hấp dẫn du khách, nó làm nên một nét đẹp trong ẩm thực Sa Pa.

Đồ nướng Sa Pa rất đa dạng có đến hàng trăm món nướng đủ để các du khách có thể thỏa sức lựa chọn. Mỗi một món ăn đều có cách tẩm và pha chế gia vị riêng mà ăn nhiều món cùng một lúc cũng không khiến bạn có cảm giác trùng lặp và chán ngán. Các món nướng ở đây rất đa dạng với đủ thịt lợn bản xiên, ba chỉ nguyên miếng, cánh gà, chim cút, lòng, bò cuốn cải mèo, bò cuốn nấm kim, chả cá hồi hay thanh đạm hơn là những xiên rau, nấm… Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là lấy một chiếc đĩa, chọn lấy những xiên que mình thích rồi đợi chủ quán nướng đều trên than hoa.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button