Gỡ thẻ vàng IUU cần đầu tư hạ tầng, số hóa
Nếu cơ sở hạ tầng nghề cá không được đầu tư nâng cấp và cải thiện quy trình sẽ khó gỡ “thẻ vàng” của EU và không thể chuyển ngành thủy sản kinh doanh có trách nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế.
Cần đầu tư hạ tầng công nghệ
Đây là đánh giá của bà Cao Thị Kim Lan, Ủy viên BCH Hiệp hội VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định. Theo bà Lan qua thực trạng thẻ vàng IUU mà EU cảnh báo và giám sát ngành khai thác hải sản của Việt Nam từ năm 2017 đến nay đã hơn 5 năm cho thấy một thực trạng đang làm góp phần làm giảm tiến độ đáp ứng các quy định tháo gỡ thẻ vàng IUU và cả mục tiêu phát triển bền vững nghề cá Việt Nam.
Đó là thực trạng các cơ sở hạ tầng nghề cá ở các tỉnh ven biển hiện nay xuống cấp. Nhiều cảng cá có công suất thấp, thậm chí thiếu an toàn; trong khi số lượng tàu thuyền lớn, không đủ nơi neo đậu. Phần lớn các cảng chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ kho lạnh, nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải…
Cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Ðây cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 gặp nhiều khó khăn.
“Nếu cơ sở hạ tầng nghề cá không được đầu tư nâng cấp và cải thiện quy trình sẽ khó gỡ “thẻ vàng” của EU và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có tránh nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được. Đáng chú ý là quy định chống khai thác bất hợp pháp IUU không còn là yêu cầu riêng của EU mà đã trở thành yêu cầu của cả các thị trường lớn khác (Mỹ, Nhật Bản,…). Nếu Việt Nam bị cảnh báo thẻ đỏ thì không chỉ mất thị trường EU với giá trị xuất khẩu hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm mà còn tổn thất hơn nữa về thương mại thủy sản cũng như uy tín ngành thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác” – Bà Lan nhấn mạnh.
Thực tế, tại các địa phương ven biển, kỹ thuật, công nghệ và năng lực xử lý các quy trình thực thi, các thủ tục xác nhận-chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều hạn chế, và bất cập. Do đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn, ách tắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác phải có xác nhận, chứng nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác.
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp chế biến hải sản, bà Lan kiến nghị: cần cải tiến nhanh cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền-khai thác làm sao để hệ thống CSDL của 28 tỉnh thành ven biển phải liên thông nhau, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn.
Thứ hai là, qui trình xác nhận – chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ và các địa phương khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, dịch vụ hậu cần không chỉ cho ngành khai thác mà kể cả lĩnh vực nuôi trồng và hậu cần để có góp phần phát triển chuỗi cung ứng thủy sản bền vững và hiệu quả.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trước đó thông tin về những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước khi EC vào thanh tra lần thứ 4, qua 3 lần thanh tra, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu để gỡ thẻ vàng, thậm chí có những lúc nguy cơ thẻ đỏ cận kề. Do vậy, xin kiến nghị với Thủ tướng và Bộ NN và PTNT quan tâm và có chỉ đạo triển khai kế hoạch Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá vì cả mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Chia sẻ vấn đề này ở địa phương ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết Kiên Giang có số lượng tàu lớn nhất, chiếm 10% số lượng tàu của cả nước; với khoảng 9.800 tàu, trong đó có khoảng 3.805 tàu dài trên 15m.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, Kiên Giang đã tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật, đến nay, Kiên Giang đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên theo ông Lê Quốc Anh, hiện nay, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong chống khai thác IUU. Trong đó, ví dụ, tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài, khi Bộ Ngoại giao báo về, có tàu cá thì với các tàu này, Kiên Giang sẽ lập tức tiến hành điều tra xử lý. Trong quá trình đó, phải thu thập đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ của phía bạn. Thế nhưng, thông thường phía bạn không cung cấp mà phải thông qua Bộ Ngoại giao và cũng rất khó lấy giấy tờ từ phía bên bạn và nếu có thì không có bản gốc. Khi ra tòa, nguy cơ thực hiện các hình phạt tăng thêm, không có giấy tờ gốc. Do đó, điều này gây khó khăn trong việc xử lý đối với các tàu cá vi phạm. Vì vậy cần có sựu hỗ trợ của các Bộ ngành, ông Lê Quốc Anh kiến nghị.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Tôi cho rằng để đạt được mục đích cuối cùng của kế hoạch tháo gỡ thẻ vàng thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ như tình trạng tàu thuyền đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đang hoạt động trên biển nhưng lại cố tình mất kết nối.
Ngoài ra, việc kiểm soát ở trong đất liền đã có cả bộ máy thực hiện nhưng ở vùng biển mênh mông, lực lượng chức năng rất mỏng. “Do đó, đây cũng là một khó khăn đòi hỏi chúng ta phải tăng cường lực lượng chấp pháp ở trên biển. Hơn thế là sự đồng lòng quyết tâm từ bà con ngư dân, đặc biệt trong thời gian thực hiện kế hoạch này” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề xuất.