Giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu – Giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế
Là mặt hàng thiết yếu với tác động lớn, đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2024 được cho sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Mới đây, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tới hết năm 2024. Mức giảm thuế tương đương 50% biểu khung thuế và đang được áp dụng từ tháng 4/2022.
Theo đó, nếu tờ trình được thông qua, trong năm 2024, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; với nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng một lít; với dầu hỏa 600 đồng một lít…
Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Chính phủ cho biết, ngân sách Nhà nước ước giảm thu khoảng 38.924 tỷ đồng. Tính chung việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nửa đầu năm 2024, ngân sách giảm thu hơn 42.450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Đồng thời, việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.
Thực tế, nếu không giảm thuế bảo vệ môi trường thì từ ngày 01/01/2024, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng trở lại 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng/lít (mức trần là 2.000 đồng/lít)… mức tăng về giá trần như đã nêu, được cho sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, không chỉ ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang còn đối mặt nhiều khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn.
Đánh giá của Tổng cục Thống kê mới đây cũng cho thấy, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024, sẽ làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng thêm 0,36 – 0,54 điểm phần tram, ngược lại, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.
Nhìn nhận về đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 không chỉ góp phần quan trọng trong việc hạn chế tác động của việc tăng giá xăng dầu trên thị trường quốc tế đến giá xăng dầu trong nước, mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do vậy, tiếp tục kéo dài chính sách này đến hết năm 2024 sẽ là giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế.
Theo các chuyên gia, việc kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được nhiều hơn là mất. Bởi, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.
Theo VCCI, sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia, VCCI đồng tình với nội dung của Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024.
Đồng thời cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Được biết, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ ngày 01/4/2022. Hiện mức thuế này vẫn đang được giảm 50%, tương ứng 2.000 đồng/lít xăng (trừ ethanol) và 1.000 đồng/lít dầu diesel, tuy nhiên, nếu đề xuất của Chính phủ mới đây không được thông qua, chính sách này sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2023.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn