Giải pháp nào cải thiện PCI Quảng Nam?
Về chỉ số PCI năm 2023, tỉnh Quảng Nam không nằm trong top 30, vì vậy Hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp mới nhằm góp phần cải thiện trong năm tới.
PCI 2023 Quảng Nam tăng điểm nhưng không nằm trong tốp 30 tỉnh thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước (năm 2022 Quảng Nam nằm trong tốp 30). Trong số liệu thống kê so với năm 2022, tổng điểm 10 chỉ số là 67,04/66,62 điểm, tăng 0,42 điểm. Trong đó, Quảng Nam có 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm gồm gia nhập thị trường (7,27/7,19 điểm), chi phí thời gian (8,1/7,61 điểm), chi phí không chính thức (7,60/7,03 điểm), đào tạo lao động (5,98/5,35 điểm).
Cùng với đó, có 6 chỉ số thành phần giảm điểm gồm tiếp cận đất đai (6,83/7,23 điểm), tính minh bạch (5,45/6,35 điểm), cạnh tranh bình đẳng (5,95/5,98 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (6,76/6,90 điểm), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (5,70/5,90 điểm), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,40/7,74 điểm).
Ông Trần Quốc Bảo – Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay Hiệp hội vừa có văn bản đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI năm 2024. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nhận thấy cần tập trung cải thiện hai chỉ số thành phần bị giảm điểm so với năm 2022 là tiếp cận đất đai (năm 2023 là 6,83 điểm giảm so với 7,23 điểm của năm 2022 và tỉnh đạt điểm cao nhất là Quảng Ninh với 7,72 điểm) và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (năm 2023 là 5,7 điểm giảm so với 5,9 điểm của năm 2022 và tỉnh đạt điểm cao nhất là Bến Tre với 7,48 điểm). Đây là hai chỉ số thành phần có thể cải thiện nhờ sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nói chung cũng như HHDN tỉnh nói riêng.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Bảo cho hay đề xuất của Hiệp hội tại mỗi huyện cử cán bộ chuyên trách của văn phòng huyện và phòng kinh tế huyện đô thị, thị xã, thành phố lập nhóm tương tác cùng Hiệp hội triển khai các nội dung, tuyên truyền, tháo gỡ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến từng địa phương. Cụ thể, mỗi tổ gồm 02 nhân sự văn phòng UBND cấp huyện và phòng kinh tế huyện hoặc phòng quản lý đô thị, thị xã.
“Cần thêm 3-5 doanh nghiệp điển hình của địa phương thành lập tổ chuyên trách cùng kết nối với hội đồng DDCI của Hiệp hội doanh nghiệp. Các sở, ngành cũng giống như cấp huyện chỉ khác là nhóm doanh nghiệp tiêu biểu liên quan đến sở, ngành. Hàng tháng sinh hoạt kết nối để tổng hợp kịp thời báo cáo các kiến nghị của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp các nhóm sở, ngành và báo cáo thông qua hội đồng DDCI của Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp báo cáo UBND tỉnh. Hàng quý tập hợp họp giao ban các tổ và hội đồng DDCI tổng kết các công việc triển khai thực hiện. HHDN tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tích cực quan tâm, tổ chức gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách trong phạm vi quyền hạn của UBND tỉnh hoặc có văn bản đề xuất với các cấp chính quyền cao hơn để giải quyết”, ông Bảo cho hay.
Theo ông Bảo, Hiệp hội doanh nghiệp sẽ là cơ quan giúp việc, tiếp nhận và cung cấp thông tin, đề xuất để UBND tỉnh giải quyết. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc cùng với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời quan tâm, xử lý, giải quyết các văn bản của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Về chỉ số tiếp cận đất đai, theo ông Bảo hiện nay Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã có rất nhiều văn bản, ghi nhận ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh liên quan đến chỉ số này. Các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền quan tâm, xem xét.
Theo đó, hiện tại vẫn còn nhiều khó khắn vướng mắc cần các địa phương, sở, ngành vào cuộc quyết liệt tháo gỡ. Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. Song song, Hiệp hội sẽ tiếp tục làm việc hỗ trợ tương tác với các doanh nghiệp đầu tư liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù, giải toả, giao đất, cấp sổ cho thuê đất,… để kịp thời thông tin đến các sở, ngành, các địa phương để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ và đôn đốc.
“Hiệp hội doannh nghiệp tin tưởng rằng với việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp đã được nêu ra trong các văn bản kiến nghị trước đây thì chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh sẽ tăng điểm vượt bậc, góp phần làm tăng điểm số chung PCI tỉnh Quảng Nam 2024”, ông Bảo kỳ vọng.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản giao sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường, Báo cáo Chỉ số PCI và PGI 2023 và các quy định có liên quan để tham mưu triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường,…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn