Giải pháp khơi dòng chảy tín dụng năm 2024

Khơi thông nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, đốc thúc giải ngân đầu tư công, hay hỗ trợ tín dụng tiêu dùng,… là những giải pháp cần thực hiện để tăng trưởng tín dụng năm 2024 tích cực hơn.

Khơi thông vốn tín dụng

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao đối với việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thúc đẩy giải ngân vốn tín dụng vào cuối năm, cũng như cho năm 2024.

Giải pháp khơi dòng chảy tín dụng năm 2024

Nguồn vốn của ngân hàng trong 11 tháng vừa qua chỉ tăng khoảng 10%, tương đương với phần lãi nhập gốc của năm 2022

Hiện nay, nguồn vốn của ngân hàng trong 11 tháng vừa qua chỉ tăng khoảng 10%, tương đương với phần lãi nhập gốc của năm 2022. Bởi vì lãi suất huy động của năm 2022 rất cao, có những ngân hàng huy động lãi suất đầu vào tới 11% một năm và bình quân là 9% một năm, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đều khó khăn, không có thu nhập thêm mà chủ yếu là tiết kiệm không chi tiêu.

Do đó khó có thể nói là các ngân hàng thừa tiền. Mặt khác, trên thị trường mở OMO các ngân hàng mua bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, vì ngân hàng huy động vào mà không cho vay được thì phải đầu tư.

Để tín dụng tăng trưởng tích cực trong năm 2024, tôi cho rằng cần phải được thực hiện trên các nhóm giải pháp như sau: Thứ nhất, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại phải được khơi thông hơn, trong đó có nguồn vốn giải ngân từ đầu tư công ra nền kinh tế, tạo nguồn vốn không kỳ hạn rất lớn.

Năm 2023, có một con số đáng mừng trong chính sách tiền tệ đó là tỉ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đã giảm 3%, từ trên 11% xuống còn trên 8% cho thấy lượng tiền mặt lưu thông trong ngân hàng đã giảm và thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh.

Thứ hai, nên bỏ hạn mức tín dụng và căn cứ vào Basel II, thì ngân hàng nào có vốn CAR tốt, có danh mục cho vay tốt sẽ giải quyết tốt câu chuyện chủ động cung ứng tín dụng, từ đó làm bôi trơn dòng tiền ra nền kinh tế.

Thứ ba, hỗ trợ tín dụng tiêu dùng cho người thu nhập thấp và công nhân để họ trang trải cuộc sống đồng thời kích thích tổng cầu.

Thận trọng với tín dụng bất động sản

Đáng chú ý trong năm tới đây, chúng ta vẫn tiếp tục có những định hướng đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Thực tế, việc vực dậy bất động sản là rất tốt cho nền kinh tế nói chung, nhưng cần phải xem xét đầy đủ và thận trọng, vì bất động sản ở Việt Nam chủ yếu là đầu cơ.

Giải pháp khơi dòng chảy tín dụng năm 2024

Chính phủ quan tâm đến câu chuyện nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp là rất đúng và chúng ta nên ưu tiên cho vấn đề này để đánh giá đúng nhu cầu thực của tín dụng bất động sản

Theo đó, rất nhiều người mua nhà, mua đất để chờ lên giá, thậm chí có nhiều khu biệt thự xung quanh Hà Nội vẫn trong tình trạng không có người ở và tiền có luân chuyển cũng chỉ từ người đầu cơ này sang người đầu cơ khác, còn người có nhu cầu thực để ở thì vẫn khó. Cụ thể là có hàng triệu công nhân, người lao động thu nhập thấp không có nhà ở vì họ không đủ tiền để mua nhà.

Chính vì vậy, Chính phủ quan tâm đến câu chuyện nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp là rất đúng và chúng ta nên ưu tiên cho vấn đề này để đánh giá đúng nhu cầu thực của tín dụng bất động sản. Theo tôi, cần có đề án tái cấu trúc thị trường bất động sản Việt Nam và đánh giá một cách đầy đủ các nguồn lực về đất đai, dự án dang dở,… để xem nó có thực sự cần cho lộ trình phát triển hay không, cũng như mức độ phát triển đến đâu. Nếu tiếp tục chảy tín dụng vào bất động sản ngoài mức kiểm soát đánh giá, sẽ tạo ra bong bóng bất động sản một lần nữa.

Có thể thấy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đốc thúc giải ngân vốn cho bất động sản, nhưng cũng đồng thời chỉ đạo rất rõ rằng không được cho vay các công ty sân sau và không được cho vay sở hữu chéo. Đây là vấn đề cần được xử lý một cách nghiêm túc nhằm lành mạnh hoá dòng vốn tín dụng cung ứng ra thị trường.

Rà soát cơ chế xử lý nợ, giảm lãi suất cho vay

Trong năm 2024, theo góc nhìn của tôi có hai vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, rà soát bao gồm: Một là các cơ chế xử lý nợ. Vừa qua, NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho một số khách vay với thời gian tối đa lên đến 12 tháng.

Nếu vẫn tiếp tục việc xử lý nợ theo cách kéo giãn thời gian, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay tiếp, thì chỉ là chuyển rủi ro cho tương lai và đến một lúc nào đó không chống đỡ được thì hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ rất lớn. Do đó cần có một lộ trình dứt khoát về tư duy này theo các chuẩn mực quốc tế.

Hai là mặt bằng lãi suất. Theo khảo sát của riêng tôi, mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn (hơn 2%/năm với kỳ hạn 3 tháng), nhưng lãi suất cho vay ra vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp phản ánh phải vay với mức lãi suất 9-10%/năm. Chúng ta không thể lập luận rằng lãi suất đầu vào cũ cao, nên cho vay ra vẫn cao, bởi vì nguyên lý của hoạt động ngân hàng khi đã sang kỳ hạn mới thì phải thiết lập mặt bằng lãi suất mới.

Nếu ngân hàng quản trị kỳ hạn không tốt sẽ bị rủi ro về lãi suất. Đơn cử như ngân hàng SVB của Mỹ phá sản hồi đầu năm 2023, là do huy động tiền gửi không kỳ hạn đi đầu tư trái phiếu Chính phủ và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất dẫn đến mất thanh khoản và phá sản.

Tôi đồng ý rằng ở Việt Nam, lãi suất cho vay còn cao là do môi trường rủi ro cao, nhưng không có nghĩa là quá cao, vì lãi suất huy động bình quân đã giảm xuống còn 5-6%/năm. Vấn đề này đã được NHNN và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất nhiều, nhưng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp ngay trong khu vực ASEAN, nên cần phải tiếp tục kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa.

 

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button