Giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng sản xuất không gây mất rừng
Đây là nội dung mà hàng loạt doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất cà phê tại Gia Lai được tập huấn và chia sẻ, đảm bảo nguồn gốc hàng hoá khi xuất khẩu vào châu Âu.
Theo Cục lâm nghiệp, những mặt hàng chịu tác động ban đầu về thích ứng sản xuất không gây mất rừng là gỗ, cao su, đầu nành, dầu cọ, ca cao, gia súc, cà phê và các sản phẩm phát sinh từ 7 nhóm sản phẩm trên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tháng 12/2024 là thời hạn thực hiện triển khai hành động thích ứng với quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) tại Tây Nguyên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm mặt hàng vào thị trường này. Và thời gian thực hiện đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là vào tháng 6 năm 2025.
Do đó, việc tập huấn cho các doanh nghiệp, tìm giải pháp thực hiện triển khai ngay hành động thích ứng với quy định của châu Âu về không gây mất rừng là việc cần thiết khi mùa vụ xuất khẩu cà phê năm 2024 đang đến gần và hơn ai hết, các doanh nghiệp cần triển khai hành động ngay.
Lấy ví dụ từ thẻ vàng ngành thuỷ sản, Bà Phan Thị Vân, Giám đốc chương trình, tổ chức quốc tế IDH tại Việt Nam nói “từ một ngành nhỏ, nhưng đến nay gần 10 năm toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta phải vào cuộc để xử lý thẻ vàng. Điều này gây thiệt hại hàng trăm triệu USD, do đó đối với quy định EUDR chúng ta phải tiến hành ngay từ ban đầu. Tránh những cản trở cho xuất khẩu từ những hành vi sai lầm trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta”.
Trong khi đó, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai cho hay, “để thích ứng doanh nghiệp cần nguồn vốn để hành động. Chúng ta cần làm việc riêng với Sở Tài chính và các sở khác, chứ không doanh nghiệp cứ chạy lòng vòng thì không biết lấy vốn ở đâu ra. Sở NN&PTNT cần làm rõ doanh nghiệp được đáp ứng vốn từ đâu. Doanh nghiệp cần chỗ dựa tài chính để chúng ta hành động”.
Hiện mỗi năm, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào EU đạt 27% tổng số kim ngạch, 4% kim ngạch xuất khẩu gỗ và 8% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su. Tuy xuất khẩu vào EU không lớn, nhưng các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản và các thị trường khác có xu hướng áp dụng quy định tương tự EUDR trong tương lai. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cần xác định thị trường đầu ra để có giải pháp liên kết, sản xuất thích hợp.
Anh Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc công ty Cổ phần TMT Consulting cho biết, “tại Đắk Lắk đã triển khai phân quản lý vùng, huyện, xã cho doanh nghiệp để thuận tiện công tác xuất khẩu. Tuy nhiên tại Gia Lai, chưa tiến hành làm được điều này, do đó chúng ta cần làm ngay để thời gian cuối năm chúng ta có thể giải trình với EU để tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu nông sản ở địa phương”.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, “từ bây giờ đến mùa vụ xuất khẩu cà phê tới còn 9 tháng, do đó chung ta phải nỗ lực hết mình để mang lại giá trị sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngành cà phê sẽ triển khai đầu tiên sau đó đến các ngành khác. Hiện chúng ta đang đi chậm hơn so với các tỉnh khác, nhưng đi chậm chúng ta phải rút được kinh nghiệm để về đích sớm”.
Theo ngành nông nghiệp ở địa phương, hiện toàn tỉnh có 04 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gồm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH XNK Hoa Trang, Công ty TNHH Trung Hiếu, Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam và 99 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê (trong đó có 47 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang và hòa tan). Mỗi năm, các doanh nghiệp chỉ chế biến được 2/5 sản lượng cà phê, còn lại chủ yếu bán thương mại và xuất khẩu. Do đó, việc triển khai thực hiện quy định của EUDR sớm sẽ có lợi nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua xuất khẩu.
Số liệu của tỉnh Gia Lai ghi nhận, năm 2023 cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ước đạt 240.000 tấn cà phê xuất khẩu, đạt giá trị 490 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2023, tại TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ với Sở NN&PTNT 5 tỉnh Tây Nguyên nhằm phối hợp thực hiện hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không xâm lấn rừng, suy thoái rừng. Sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho các ngành hàng nông nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn