Giá dầu cao, khó khăn nhiều hơn
Giá dầu thế giới ở mức hơn 90 USD/thùng giúp tăng doanh thu khi bán dầu, nhưng với sản lượng khai thác dầu vẫn trên đà giảm, cơ hội để thu được nhiều hơn với dầu thô không có nhiều.
Giá dầu đứng ở mức cao
Giá dầu thế giới tiếp tục ở mức cao trước những lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn hiện hữu, bất chấp tình hình căng thẳng Nga – Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt. Ghi nhận vào đầu giờ sáng 16/2/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 ở mức 92,43 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 ở mức 93,60 USD/thùng.
Dẫu đã giảm so với khi giá dầu quanh mốc 97 USD/thùng cách đây vài ngày, nhưng các dữ liệu thống kê gần đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang có xu hướng phục hồi mạnh. Điều này là do các nước đang gỡ dần các lệnh phong toả, hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch. Các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá đang được thúc đẩy nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hoá, kéo theo giá cả leo thang và lạm phát tăng cao tại nhiều khu vực.
Trong khi nhu cầu dầu vẫn đang phục hồi mạnh, thì ở chiều ngược lại, nguồn cung vẫn bị thắt chặt bởi năng lực sản xuất của các nhà cung cấp dầu thô hạn chế. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các kho dự trữ dầu toàn cầu ở mức thấp nhất trong nhiều năm và công suất dự phòng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) suy giảm đã góp phần đẩy giá dầu lên.
Báo cáo dầu tháng 2/2022 của IEA cho thấy, nguồn cung dầu toàn cầu tăng 560.000 thùng/ngày lên 98,7 triệu thùng/ngày trong tháng 1. Nếu OPEC + không bị ràng buộc, thì sản lượng dầu thế giới có thể tăng thêm 6,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua đã khiến các chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cao ngay trong tháng 1/2022. Theo Petrovietnam, sản lượng khai thác dầu tháng 1 đạt 0,93 triệu tấn, vượt 24,2% kế hoạch tháng 1 và bằng 10,7% kế hoạch của năm 2022. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 60.800 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch tháng và tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 8.400 tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch tháng, tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước 6.200 tỷ đồng, vượt 2,9 lần kế hoạch tháng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2021.
Những thách thức mới
Dù có kết quả tốt về doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng nộp ngân sách, nhưng cơ hội để thu được nhiều hơn với dầu thô không có nhiều như những năm trước đây. Nguyên do là sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam đang theo đà giảm sút. Năm 2021, sản lượng dầu thô khai thác được đạt 10,97 triệu tấn, tuy vượt 1,25 triệu tấn so với kế hoạch năm, song vẫn trong chiều giảm xuống.
Theo đánh giá của Petrovietnam, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn là thách thức vô cùng lớn. Các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết (Bể Cửu Long, Nam Côn Sơn), các phát hiện dầu khí phần lớn đều nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao, tiếp tục bị nước ngoài gây sức ép, cản trở.
“Năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác ở mức báo động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Tập đoàn trong những năm tới”, Petrovietnam đánh giá.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2021 chỉ là 4,6 triệu tấn – một con số rất thấp, không hoàn thành kế hoạch năm (bằng 38,3% kế hoạch). Hệ số bù trữ lượng dầu khí (giữa gia tăng trữ lượng dầu khí và sản lượng khai thác) năm 2021 đạt 0,26 lần cũng được coi là mức báo động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn trước nguy cơ không có nhiều dầu để khai thác trong tương lai không xa.
Ở một góc độ khác, việc khai thác dầu thô trong nước giảm sẽ tiếp tục làm khó cán cân xuất nhập khẩu xăng dầu, khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước bình quân đang ở mức 17-18 triệu tấn/năm. Nghĩa là, khi giá dầu thế giới tăng mạnh, thì việc tăng thu từ bán dầu thô khai thác được không đủ để cân bằng với việc tăng chi để bỏ ra nhập khẩu xăng dầu về phục vụ hoạt động của nền kinh tế.
Bằng chứng là, giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 14/2 đã lên ở mức cao nhất trong 8 năm qua, với mức niêm yết xăng E5 RON92 không cao hơn 24.571 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 25.322 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 18.751 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.659 đồng/kg. Điều này dự báo hoạt động của các ngành sẽ phải đối mặt với những thách thức mới để hiệu quả hơn.
Theo Thanh Hương (Báo Đầu tư)