Fintech có thể thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững
Thị trường công nghệ tài chính (fintech) đang chào đón một làn sóng sản phẩm mới, thân thiện với môi trường, thường được gọi là “fintech xanh”.
Thuật ngữ “fintech xanh” đề cập đến những đổi mới dựa trên công nghệ được áp dụng vào các hoạt động và sản phẩm tài chính nhằm mục đích hỗ trợ các Mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Báo cáo phân loại fintech xanh, fintech xanh gồm những hình thức như: thanh toán kỹ thuật số xanh, giải pháp đầu tư kỹ thuật số xanh, phân tích kỹ thuật số xanh, huy động vốn từ cộng đồng cho các dự án xanh, phân tích rủi ro xanh, cho vay kỹ thuật số xanh, giải pháp tài sản kỹ thuật số xanh và công nghệ quản lý xanh.
Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các thị trường Singapore, Hàn Quốc, Australia và Hồng Kông đã đạt đến độ chín muồi về phát triển fintech xanh.
Hệ sinh thái fintech xanh ở Singapore được thiết lập đặc biệt tốt, với những doanh nghiệp nổi bật như CO2 Connect, MetaVerse Green Exchange, STACS, v.v.
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đã triển khai nhiều dự án và sáng kiến khác nhau, chẳng hạn như dự án Greenprint, Khung trái phiếu xanh Singapore, ESGenome và Lực lượng đặc nhiệm ngành tài chính xanh, để tích cực thúc đẩy việc sử dụng fintech xanh. Những dự án này góp phần khuyến khích các giải pháp xanh và tạo điều kiện cho tài chính xanh phát triển ở Singapore.
Indonesia và Thái Lan cũng đang đạt được tiến bộ trong việc triển khai thị trường trái phiếu xanh và thiết lập các biện pháp khuyến khích đầu tư bền vững. Chính phủ các nước này đang hợp tác với các công ty fintech để phát triển những giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy tài chính bền vững.
Trong khi đó, fintech xanh ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển khá sơ khai, mặc dù Chính phủ đã thể hiện quan tâm đến lĩnh vực này. Một điều chắc chắn là hỗ trợ từ chính phủ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để tạo điều kiện cho fintech xanh phát triển.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến sẽ sớm ban hành hướng dẫn cho các tổ chức tài chính để thúc đẩy tài chính xanh. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng khung pháp lý cho phát triển tín dụng xanh và kế hoạch hành động để ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Hơn nữa, ngày càng có nhiều cơ hội thu hút vốn từ các công ty đầu tư mạo hiểm hay các tổ chức phi lợi nhuận cho các sáng kiến fintech bền vững ở Việt Nam.
Một trong những rào cản chính đối với sự phát triển của fintech xanh là tình trạng thiếu nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về lợi ích của tài chính bền vững và đầu tư xanh. Nhiều người vẫn chưa quen với khái niệm tài chính xanh và có thể chưa hiểu tầm ảnh hưởng của quyết định tài chính của họ đến môi trường.
Hành lang quy định cũng vẫn là một trở ngại lớn khác vì khung pháp lý hiện tại để quản lý tài chính bền vững vẫn còn khá hạn chế. Rất cần có các quy định và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích xây dựng và áp dụng các giải pháp fintech thân thiện với môi trường.
Nếu không có dữ liệu chính xác và đáng tin cậy về tác động lên môi trường và kết quả hoạt động, việc đánh giá hiệu quả và độ tin cậy của các nền tảng fintech xanh sẽ trở nên khó khăn. Việc tiếp cận dữ liệu về năng lượng sạch, lượng khí thải carbon và các yếu tố môi trường khác thường bị hạn chế, khiến các công ty fintech gặp khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường của các sản phẩm của họ tại Việt Nam.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài chính và vốn mạo hiểm còn hạn chế vẫn là một vấn đề đối với các doanh nhân khởi nghiệp vì các dự án fintech xanh thường đòi hỏi đầu tư đáng kể cho nghiên cứu, phát triển và triển khai.
Quan trọng nhất, fintech xanh yêu cầu hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm các công ty fintech, tổ chức tài chính, cơ quan chính phủ, tổ chức môi trường và người tiêu dùng. Quan hệ đối tác mạnh mẽ là điều cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái fintech xanh bài bản và bền vững hơn.
*Tiến sĩ PHẠM NGUYỄN ANH HUY – Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, sáng lập viên Trung tâm Fintech-Crypto tại Đại học RMIT Việt Nam