F0 đừng vội uống kháng sinh khi có biểu hiện ho, đau họng
Hiện nay một số F0 ho nhiều, vội dùng kháng sinh vì lo sợ virus “lan xuống phổi”. Việc lạm dụng không nguy hiểm tính mạng nhưng gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể kiệt quệ do virus tấn công.
Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng. Bởi vậy, nếu sử dụng kháng sinh, người bệnh cần có sự tư vấn của nhân viên y tế.
Theo Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng, ho khi mắc Covid-19 về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo người dân không nên vội vàng uống kháng sinh khi có biểu hiện ho, đau họng. Thay vào đó, F0 có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược giảm ho. Khi ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, đau bụng, người dân có thể dùng thuốc hoặc siro có alimemazin hoặc diphenhydramin. Đây là các chất có tác dụng giảm ho, chống dị ứng, an thần. Nếu bệnh diễn biến nặng, F0 nên thông báo ngay cho cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng lưu ý thêm, nếu sau khi âm tính vẫn ho kéo dài, người bệnh có thể xử trí như sau.
Ho khan có thể vẫn còn virus chưa hết hẳn, hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác hoặc ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất… Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế, thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (Theralene hoặc Benadryl hoặc các loại có thành phần tương tự).
Một số trường hợp là do trào ngược dạ dày thực quản, do khi bị Covid-19, dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều… có thể gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
Ho có đờm có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải thăm khám bác sĩ để dùng kháng sinh và long đờm (thường dùng loại ambroxol). Ngoài ra, bệnh nhân có thể do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản. Khi đó cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.
Ho do nấm đường hô hấp, việc dùng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch… có thể khiến một số loại nấm phát triển, dù bình thường không gây bệnh. Bởi vậy, nếu dùng các biện pháp điều trị ở trên mà vẫn ho kéo dài thì cần nghĩ đến nhiễm nấm. Khi đó, bệnh nhân phải có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và sử dụng thuốc chống nấm (thường rất hại gan) để điều trị triệt để.
“Như vậy, thuốc kháng sinh không có tác dụng gì đối với virus. Nếu đau họng, viêm họng do virus thì không dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn, như viêm amiđan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang… Covid-19 là do virus gây ra, sử dụng kháng sinh không có tác dụng gì với các loại virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng“, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nói.
Theo các chuyên gia và bác sĩ, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn. Dự kiến thời gian tới, tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nghiêm trọng. Với độ phủ vắc xin cao và biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hay tử vong hơn Delta, phần lớn bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều gặp triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm người bệnh thoải mái uống thuốc kháng sinh, corticoid… để điều trị Covid-19 nhiều nhất.
PGS Trần Văn Ngọc (Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam) nhấn mạnh, cần phải nhớ, kháng sinh là thuốc kê toa, việc người dân mua thuốc kháng sinh không có toa tồn tại bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục được.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, trước đây tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.
“Chúng ta phải siết chặt việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc, không để tình trạng bán thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng cần trang bị kiến thức để chăm sóc sức khỏe của bản thân“, bác sĩ Hoàng nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn