“Ép” khách hàng mua bảo hiểm: Cần nâng cao nhận thức người dân
Theo Tổng thư ký VNBA, vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao nhận thức của người dân về các loại hình bảo hiểm và phía cán bộ ngân hàng cũng phải hiểu thật kỹ thì mới tư vấn đầy đủ cho người mua.
Những lùm xùm liên quan đến “cưỡng ép” khách hàng mua bảo hiểm trong thời gian qua cho thấy, sự việc này xảy ra quá phổ biến. Nếu người dân có nhu cầu mua bảo hiểm thật, đúng mục đích sẽ là rất tốt, vì sản phẩm bảo hiểm thực sự cần thiết cho xã hội. Nhưng nếu họ không có nhu cầu mua, hoặc mục đích hoàn toàn khác thì lại trở thành bất hợp lý. Vì mua bảo hiểm là để an tâm hơn chứ không phải trở thành nỗi bất an của khách hàng.
Tuân thủ quy định pháp luật
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, hiện nay có rất nhiều thông tin liên quan đến một số ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Ông Hùng nhìn nhận vấn đề này ở hai khía cạnh gồm:
Thứ nhất, phải xác định bảo hiểm là có lợi ích và từ xưa đến nay lĩnh vực bảo hiểm vẫn hoạt động, vẫn phục vụ người dân và có hiệu quả thiết thực, nên người dân vẫn mua.
Thứ hai, ngân hàng với bảo hiểm có sự phối hợp với nhau trên cơ sở quy định pháp luật, ngân hàng là đại lý bảo hiểm, trong đó ngân hàng có trách nhiệm giới thiệu, tư vấn, chào bán bảo hiểm cho khách hàng.
Luật các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều cho phép ngân hàng thương mại được hoạt động làm đại lý bảo hiểm. Khoản 2, Điều 129 Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ, đơn vị là đại lý bảo hiểm được phép tư vấn, môi giới, chào bán các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Nhưng Khoản 3, Điều 129 của Luật này cũng nêu rất rõ việc tư vấn phải chính xác, thông tin đầy đủ, giới thiệu cho khách hàng biết nội dung, lợi ích của sản phẩm.
Một vấn đề liên quan nữa là, đối với hành vi “cưỡng ép” bị nghiêm cấm theo Điều 9 của Luật kinh doanh bảo hiểm, nghiêm cấm các đại lý bán bảo hiểm cho khách hàng nếu không tự nguyện. Theo quy định, với tổ chức vi phạm thì Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có trách nhiệm xử phạt và cơ quan thanh tra giám sát sẽ có quá trình thanh tra giám sát sự việc.
Với hoạt động của các tổ chức tín dụng, thì hoạt động bán bảo hiểm chỉ hỗ trợ thêm một phần thu nhập ngoài tín dụng, dù chỉ là phần phụ nhưng cũng góp phần tăng lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng và tăng thu dịch vụ ngoài tín dụng. Đây cũng là một trong những hoạt động liên quan đến việc mở rộng các hình thức dịch vụ, đa dạng sản phẩm của ngân hàng.
“Theo tôi được biết, các tổ chức tín dụng đều có chiến lược riêng của mình để phối kết hợp với các công ty bảo hiểm nhằm triển khai sản phẩm. Họ cũng tổ chức tập huấn từ trên xuống dưới, quán triệt về quy định pháp luật… Tuy nhiên, ở một số chi nhánh, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn tới việc nhân viên ngân hàng tư vấn, giới thiệu có thể đầy đủ hoặc chưa đầy đủ, hoặc giới thiệu dẫn đến sự hiểu lầm nào đó, thậm chí chèo kéo khách hàng. Nhưng cũng phải làm rõ về hành vi “cưỡng ép”, vì khách hàng mang tiền đến, gửi hay không là quyền của họ, ai có thể ép được? Trừ trường hợp, khách hàng phải mua bảo hiểm để được vay vốn hoặc được xử lý nhanh thủ tục thì mới có thể coi là ép.
Việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên phải dựa trên cơ sở chính đáng và không được cưỡng ép nhằm tạo ra lợi nhuận”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Nâng cao nhận thức người dân
Cũng theo vị Tổng thư ký VNBA, khi mua bảo hiểm, khách hàng phải xác định được những bảo hiểm kéo dài nhiều năm thì cần có sự tính toán, cân đối về nguồn lực tài chính. Người tham gia bảo hiểm nên có nguồn thu nhập ổn định để làm sao đáp ứng hằng năm cho đến khi hết thời hạn hợp đồng.
Vì vậy, đôi khi khách hàng được ngân hàng tư vấn nhưng cũng chưa đầy đủ, người dân chưa hiểu hết loại hình sản phẩm như thế nào, loại bảo hiểm đó mình có thể theo được hết thời hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm hay không. Về phía ngân hàng, ngay cả cán bộ tư vấn cũng không hiểu hết gốc gác của việc bảo hiểm cần có nguồn thu ổn định, kéo dài, nên chưa chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu cho khách hàng của mình.
Mới đây ngày 17/4, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã có buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng. Tại cuộc họp, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát lại tổng thể các quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong đó, các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện quy định về công khai thông tin về hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, đặc biệt là công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm đã tham gia.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Cục đã đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, cũng như công tác quản lý giám sát đối với thị trường bảo hiểm. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ xử lý nghiêm, hoặc phối hợp với cơ quan công an xử lý nghiêm đối với những vi phạm luật hình sự.
“Trong năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra quản lý giám sát đối với kênh này. Một điều đặc biệt quan trọng là thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chủ động làm việc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để thực hiện thanh tra kiểm tra đối với cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, xử lý vấn đề kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm”, ông Trung cho biết.
Đánh giá về hoạt động này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây là nâng cao nhận thức của người dân hiểu về ý nghĩa bảo hiểm, các loại hình bảo hiểm mình lựa chọn và kể cả cán bộ ngân hàng, cũng phải hiểu thật kỹ thì mới giới thiệu, tư vấn một cách đầy đủ cho người mua.
Vừa qua, Bộ Tài chính và NHNN đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để chấn chỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉnh, chỉnh đốn các cán bộ của mình trong việc bán bảo hiểm.
“Trong trường hợp khách hàng bị “cưỡng ép”, hiện nay đã có đường dây nóng, vì vậy đề nghị mọi người dân trong quá trình giao dịch với ngân hàng, kể cả với tiền gửi, tiền vay,… nếu ngân hàng có gợi ý phải mua bảo hiểm mới được vay vốn hoặc hỗ trợ giải quyết nhanh, thì khẩn cấp gọi điện đến đường dây nóng của NHNN để được xử lý một cách kịp thời”, ông Hùng khuyến nghị.