Đường vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội có 65% chiều dài đi trên cao

Với tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, dự án đường vành đai 4 – vùng thủ đô qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên có tới 65% tổng chiều dài đi trên cao.

Phương án này được đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội do Chính phủ trình Quốc hội.

Vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là 5 dự án quan trọng quốc gia dự kiến được trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới.

Gần 86.000 tỷ xây đường vành đai qua 3 tỉnh, thành

Đường vành đai 4 – vùng thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối). Trong đó, 58,2 km của tuyến đường đi qua Hà Nội; 19,3 km qua Hưng Yên và 25,6 km cùng tuyến nối 9,7 km thuộc tỉnh Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha.

Dự án có điểm đầu tại km3 + 695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và điểm cuối tại Km40 + 500 trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Ngoài ra, có 9,7 km đường nối từ cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.

Dự án đường vành đai 4 được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với bề rộng từ 90 m đến 135 m.

Chính phủ tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là 28.200 tỷ đồng; ngân sách Hà Nội 23.594 tỷ đồng, Hưng Yên 1.509 tỷ đồng, Bắc Ninh 3.100 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn BOT của nhà đầu tư là 29.410 tỷ đồng.

Riêng kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án khoảng 19.590 tỷ đồng (Hà Nội 13.370 tỷ đồng; Hưng Yên 3.740 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.480 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn cao tốc hạn chế với bề rộng đường 17 m (bề rộng cầu 17,5 m), tốc độ tối đa cho phép 80 km/h. Bên cạnh đó, đường song hành 2 bên được đầu tư quy mô rộng 12 m mỗi bên.

Đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có 65% chiều dài đi trên cao
Đường vành đai 3 thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết đòi hỏi nhu cầu có tuyến giảm tải. Ảnh: H.Q.

Rút kinh nghiệm từ đường vành đai 3, đồng thời nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, tạo không gian phát triển mới phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị các địa phương, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường vành đai 4 đi trên cao. 39,13 km còn lại được thiết kế đi thấp do nhu cầu liên kết không cao đồng thời để giúp cân đối nguồn vốn. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, hợp phần đường cao tốc sẽ được nâng lên 6 làn xe tiêu chuẩn.

Dự án cũng được thiết kế với 8 nút giao gồm: Cao tốc Hà Nội – Lào Cai; trục Mê Linh; đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; quốc lộ 38; cao tốc Nội Bài – Hạ Long; hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù

Để đảm bảo tiến độ đầu tư của dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ kiến nghị Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021- 2025), điều chuyển số vốn 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ: Hà Nội 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.110 tỷ đồng.

Chính phủ cũng kiến nghị được phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân cho các dự án trong giai đoạn năm 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026-2030.

Về cơ chế tổ chức thực hiện, dự án đường vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần, do các địa phương quyết định đầu tư; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính của 3 tỉnh, thành phố. Hà Nội được giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm tính đồng bộ.

Tiến độ của dự án được tính toán chuẩn bị trong giai đoạn 2021-2023. Công tác bồi thường và tái định cư triển khai từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2024. Từ 2022 đến 2026, các đơn vị sẽ triển khai đầu tư xây dựng đường đô thị đường song hành và phần đường cao tốc toàn tuyến cùng tuyến nối 9,7km dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

Hiện nay, tuyến đường vành đai 3 đã quá tải khi mật độ lưu lượng giao thông gấp khoảng 2,5 lần so với tiêu chuẩn. Vào khung giờ cao điểm tại lối lên, xuống các nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ – vành đai 3; đại lộ Thăng Long – Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển… tình trạng ùn tắc kéo dài thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào các ngày nghỉ, dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, lưu lượng giao thông nội vùng lên tuyến vành đai 3 cũng tăng cao do tốc độ đô thị hóa, nhà chung cư cao tầng mọc dày đặc hai bên. Trong khi đó, bến xe Mỹ Đình nằm sát đường trên cao nên lượng lớn xe khách từ các tỉnh đi vào trung tâm thường chọn tuyến đường này.

Do đó, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường vành đai 4 sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông. Việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 cũng được kỳ vọng tạo một trục giao thông hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua Hà Nội.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button