Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định về khái niệm chiếm đất chưa rõ ràng
Tại khoản 11 Điều 3 trong Dự thảo Luật quy định về khái niệm chiếm đất chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến về khoản 11 Điều 3 trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV diễn ra ngày 30/8.
Tham gia phát biểu về khái niệm chiếm đất, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, khoản 11 Điều 3 trong dự thảo luật quy định, chiếm đất là việc sử dụng đất mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chưa được người sử dụng đất hợp pháp cho phép.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, quy định như vậy là chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian qua, phù hợp với các quy định của Chính phủ, quy định về trình tự thủ tục đất đai.
“Hiện nay, các quy định về giao đất, thuê đất là thủ tục liên thông nhiều bước, trong đó bao gồm quyết định giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận bàn giao đất, do đó xảy ra trường hợp đã quyết định giao đất, cho thuê đất, nhưng chưa hoàn thành thủ tục bàn giao đất thì có xác định là hành vi chiếm đất hay không?”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Mặt khác, nhiều trường hợp hết hạn sử dụng đất mà chưa kịp gia hạn, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các ngân hàng quốc doanh sử dụng đất đã hết hạn, chưa được gia hạn thì có được xác định là hành vi chiếm đất hay không, có thuộc trường hợp thu hồi đất hay không? Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ nội dung này.
Về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, khoản 3, Điều 81 có quy định đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền hoặc không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cân nhắc thu hồi với các trường hợp cụ thể, có thể áp dụng linh hoạt để tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư và nhà nước.
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc việc cho phép mở rộng đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất mà không trực tiếp canh tác, sản xuất. Việc mở động đối tượng để tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng, nhưng có nhiều cá nhân lợi dụng chính sách này để đầu cơ, gây khó khăn cho những tổ chức có tâm huyết phát triển nông nghiệp.
Về phương pháp tính giá đất, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của Nhân dân. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị cần xác định, phân định rõ đất dành cho phục vụ quốc phòng an ninh, phục vụ kinh tế xã hội và đất dành cho phát triển thương mại để có sự hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, thảo luận tại Hội nghị các đại biểu cho rằng dự thảo Luật đến nay đã tiếp thu nhiều ý, nhiều chính sách được thống nhất nhưng còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thời gian tới, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát bả đảm tính thóng nhất hệ thống pháp luật. Đồng thời, sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung như ý kiến của đại biểu để nghị như làm rõ các nội dung thể chế hóa theo Nghị quyết 18-NQ/TW, hay làm rõ quan hệ nhà nước đại diện chủ sở hữu đất đai …